SỐNG TIN MỪNG

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:

8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,

9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.

10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.

11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.

13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.

14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, thường có những câu chuyện về các bữa ăn: nhà ông Si-mon, người Pha-ri-sêu (7,36); nhà Mác-ta và Ma-ri-a; một lần khác, cũng nhà một người Pha-ri-sêu (11,37); nhà ông Da-khêu (19); buổi lễ vượt qua (22). Việc Chúa quan tâm đến các bữa ăn làm cho người có ác ý nói: «Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi» (Lc 7, 34). Ba bữa ăn xảy ra trong nhà các người Pha-ri-sêu, trở thành cơ hội cho những bất hoà.

Trong buổi tiệc đầu, nơi tư gia ông Si-môn (Lc 7, 36), một người phụ nữ có tiếng xấu trong xứ, chạy đến quỳ dưới chân Chúa Giê-su, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, Chúa xem bà là mẫu gương để dạy cho những người chứng kiến; lần thứ hai (Lc 11, 37) cũng là dịp cho một sự hiểu lầm quan trọng; lần này, vì Chúa không rửa tay trước khi ăn. Cuộc tranh luận gây nên vấn đề và Chúa Giê-su dùng dịp này nói lên một lời công kích nghiêm khắc. Đến nỗi thánh Lu-ca kết luận đoạn này như sau: «53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện» (Lc 11, 53)

Bài chúng ta đọc hôm nay, kể lại bữa cơm thứ ba tại nhà một người Pha-ri-sêu. Thánh Lu-ca nói rõ nhằm ngày Sa-bát; ngày Sa-bát rất quan trọng trong đời sống dân It-ra-en. Từ một ngày để nghỉ (Sa-bát theo tiếng Do Thái là ngưng mọi sinh hoạt) Dân Chúa Chọn, biến thành ngày lễ và ngày vui để tôn vinh Thiên Chúa của mình. Lễ tạo dựng thế giới, Lễ giải phóng dân tộc khỏi Ai-cập… trong khi chờ Ngày Chúa sẽ tái tạo lại công trình Tạo Dựng. Trong thời Chúa Giê-su, ngày lễ ấy vẫn đã có, và đều có một buổi tiệc trịnh trọng đánh dấu ngày này: bữa ăn thường là dịp mời cùng bàn các tín hữu khác đạo. Nhưng, những cấm đoán tuân theo Lề luật càng ngày càng quá nhiều, làm mất đi nơi một số tham dự viên, điều chính yếu của tình bác ái huynh đệ.

Hôm ấy, trước bữa ăn, có một truyện xảy ra nhưng không được đọc trong bài Phúc Âm hôm nay, màn này gợi hứng cho những cuộc đàm thoại: Chúa Giê-su chữa lành một người mắc bệnh phù: đây là cơ hội cho những câu truyện trong bàn ăn, vì Chúa bị kết án không tuân luật nghỉ ngày Sa-bát.

Cũng không nên ngạc nhiên, những gì Phúc Âm kể lại cho chúng ta về những quan hệ giữa Chúa Giê-su và những người Pha-ri-sêu, vừa có cảm tình vừa nghiêm khắc của cả đôi bên với nhau. Cảm tình vì người Pha-ri-sêu là những người rất tốt; chúng ta còn nhớ phong trào có tính cách tôn giáo «Pha-ri-sêu» khởi đầu vào khoảng năm 135 trước Công Nguyên, phát nguồn từ lòng ao ước hoán cải. Tên gọi có nghĩa là «tách ra» nói lên một sự chọn lựa: từ chối thoả hiệp với chính trị, buông thả trong việc giữ đạo, đó là hai vấn nạn của năm 135. Vào thời Chúa Ki-tô, lòng sùng đạo của họ vẫn không mai một, họ vẫn dũng cảm: dưới thời Hê-rô-đê Đại Đế (39- 4 trước CN), sáu ngàn người Pha-ri-sêu từ chối tuyên thệ vâng lời Rô-ma và vua Hê-rô-đê, bị kết án phạt. Việc coi trọng sắc thái tôn giáo của họ, dựa vào việc tuân giữ nghiêm nhặt truyền thống. Chữ truyền thống ở đây không nên hiểu nghĩa tiêu cực; truyền thống là kho báu nhận được từ cha ông: người xưa đã dày công khám phá những lối sống làm đẹp lòng Thiên Chúa, và truyền lại dưới hình thức những nguyên tắc hướng dẫn những chi tiết trong cuộc sống thường nhật. Có phải chính vì thế đáng chỉ trích? Và những khuyến cáo của người Pha-ri-sêu, sau năm 70 (Sau CN) được viết ra có những mục rất giống những điều Chúa Giê-su dạy [Chúng ta biết chắc rằng họ không đời nào chép những gì họ cho là «tà đạo Ki-tô»].

Pha-ri-sêu với tính cách là một phong trào, rất khả kính. Và Chúa Giê-su không bao giờ đả kích. Chúa cũng không từ chối nói chuyện với người Pha-ri-sêu (bằng chứng là các bữa ăn này; cũng xem về Ni-cô-đê-mô – Ga 3). Nhưng, một lý tưởng tôn giáo dù có tốt đẹp mấy, cũng có những trở ngại: việc quá khắc khe tuân giữ, có thể tạo nên một lương tâm quá ư yên ổn, và đâm ra khinh thường những ai không làm được như mình. Sâu sắc hơn, họ muốn «tách ra», không muốn nhập nhằng với người khác, trong lúc đó mục đích của Thiên Chúa là một dự án tập hợp trong tình thân. Những lệch lạc ấy khiến cho Chúa Giê-su lắm lúc có những lời khá khắt khe: Ngài nhắm cái gọi là «Pha-ri-sêu giáo». Điều này mọi phong trào đạo giáo, trong mọi thời, đều có thể phạm: bài dụ ngôn cọng rơm và cái xà trong mắt, nhắc cho chúng ta điều ấy.

Nhìn thoáng qua, những lời khuyên của Chúa Giê-su trong việc chọn chỗ ngồi và chọn khách mời trong một bữa tiệc, có thể chỉ dừng ở cách sống theo nghi thức thông thường và lòng nhân ái. Ở It-ra-en cũng như nhiều nơi khác, có những phương châm tuyệt vời về đề tài này, ví dụ như trong sách Cách Ngôn: «Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. 7 Thà được người ta bảo: “Xin mời ông lên trên!” còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng. Điều mắt con nhìn thấy» (Cn 25, 6-7); và trong sách Huấn ca:

 «9 Khi người quyền thế mời gọi con, con hãy lẩn đi, như thế, người ta càng mời mọc con hơn nữa. 10 Đừng vồ vập, kẻo bị tống cổ ra, cũng đừng đứng xa, kẻo bị quên mất» (Hc 13, 9-10).

Nhưng điều Chúa Giê-su muốn nói ở đây vượt xa hơn nữa, vì người Pha-ri-sêu là những người tốt, những tín hữu tuân giữ đạo Do Thái. Chúa Giê-su lột mặt nạ những kẻ có thể khinh thường người khác, và nhất là, Ngài muốn dùng phương pháp các ngôn sứ để mở mắt họ, trước khi quá trễ: quá tự tin sẽ mang đến mù quáng. Chính vì Chúa Giê-su lúc nào cũng nhằm đến Nước Trời: Muốn vào, Ngài thường nói phải như những trẻ con (xem Lc 9, 46- 48; Mt 18, 4).

Những người Pha-ri-sêu đều biết tiếp đón người nghèo và người khuyết tật là một điều chính yếu của Nước Trời: «22 Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng» (Lc 7, 22). Những ai tiếp đón và tôn trọng những người bé nhỏ ấy; không chờ đợi đáp trả, sẽ tham gia cùng họ trong ngày Phục sinh, Chúa Giê-su phán. Đó cũng là điều thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh: «1 Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư» (Gc 2, 1)

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.