SUY TƯ DÒNG ĐỜI

Những sắc màu của cuộc sống

Trần Mỹ Duyệt

 

Từ nhỏ tôi đã học được tư tưởng sống này, đó là cuộc đời con người như một bức tranh do Tạo Hóa vẽ. Nét chấm phá đầu tiên bắt đầu từ giây phút kết tinh của tình yêu cha mẹ. Những nét kế tiếp sẽ được tô điểm bằng những biến cố trong đời sống. Và nét chấm phá sau cùng là lúc chúng ta tắt thở từ biệt cõi tạm này. Chỉ lúc đó, bức tranh cuộc đời mỗi người mới thực sự hoàn thành, và người thưởng lãm có thể nhìn thấy nó như thế nào.

Những bức tranh như thế là một hòa quyện bởi nhiều đường nét và màu sắc. Tuy mỗi bức tranh là một tác phẩm biệt lập, riêng rẽ và cá thể, nhưng vì nó được vẽ nên do một thiên tài hội họa là Thượng Đế, nên chúng sẽ là những bức vẽ tuyệt đẹp, sống động, đầy nét sáng tạo và nghệ thuật.

Tuy được học hỏi và nghe nói như vậy nhưng ít khi tôi để tâm suy nghĩ về điều này. Nhưng hôm nay trong khi tham dự thánh lễ buổi sáng như thường lệ, tình cờ tôi ngồi phía sau một người mà tôi nghĩ ông ta có thể là một thành viên của hội câu cá “lưỡi kiếm”. Tôi đoán vậy vì ông mặc một chiếc T shirt có logo phía sau lưng in hình một con cá lưỡi kiếm rất đẹp. Nó đang như nhào lên khỏi mặt đại dương, phần đuôi vẫn còn chìm dưới biển, phủ đầy bởi những bọt sóng trắng xóa. Chiếc mỏ dài của nó như một thanh kiếm chọc thủng không gian phía trước. Toàn thân phía trên là màu xanh biển, phía dưới bụng trắng tinh điểm xuyết do những sọc kẻ màu nâu đặm. Miệng và vây của nó mang mầu xám, màu đen, và pha chút màu đỏ. Riêng mũi kiếm của nó chỉ nhìn thấy màu đen. Tôi bị chia trí bởi hình ảnh con cá lưỡi kiếm ấy, bù lại, tôi đã dùng hình ảnh của nó để suy niệm về những màu sắc cuộc đời, cũng như về bức tranh của đời mình.

Với thời gian, tôi tin là bức tranh đời tôi cũng sắp sửa hoàn thành. Với những sắc màu, tôi hình dung ra có những màu hồng, màu đỏ, màu vàng, màu đen, màu trắng, màu tím, màu xanh lá cây, màu nâu, và những màu khác pha trộn mà tôi không thể biết. Tôi nghĩ vậy, vì mỗi sắc màu đều có một ý nghĩa riêng của nó, cũng như toàn bộ từng gam màu ấy xen đan, hòa quyện nhau mới làm nổi bật bức tranh cuộc đời, bức tranh con người của chính tôi. Điều đó cũng có nghĩa là trong bức tranh ấy, người họa sỹ đã dùng nhiều gam màu khác nhau, đôi lúc như đối chọi và tương phản, và đó là điểm đặc biệt nổi bật của tay nghề, lối dùng màu của một nghệ sỹ tài ba. Một khi nét vẽ cuối chấm dứt, lúc đó toàn bộ bức tranh mới được định giá đúng mức. Lúc đó tôi chính là tôi, là con người đã đi qua những thăng trầm, buồn vui của cuộc đời mà những sắc màu kia đã vẽ nên nó.

Để thẩm định giá trị nghệ thuật của một bức tranh, dưới con mắt của một họa sỹ, bức tranh đẹp phải nổi bật điều mà người vẽ nó muốn nói qua đường nét, màu sắc, góc độ và ánh sáng. Đôi khi phải có chút màu đen của một góc tối để làm hiện lên khuôn mặt, nụ cười, hàm răng, ánh mắt, hoặc mái tóc. Một bức ảnh chân dung khác với một bức tranh toàn cảnh. Vẽ người khác với vẽ thiên nhiên, động vật hay thực vật. Tóm lại một bức tranh đẹp phải hội đủ những khía cạnh tay nghề, nghệ thuật, cái nhìn chủ quan của người nghệ sỹ, và sự phán đoán khách quan của người thưởng lãm.

Như vậy, những lúc đau khổ, thất bại, thua thiệt, và cùng cực của cuộc đời tôi chắc chắn phải là những nét vẽ với màu đen, tím, nâu, đỏ hoặc cũng có thể là toàn thể các màu sắc đó hòa trộn lại. Còn những lúc cười tươi hớn hở, những lúc được vui vẻ, hạnh phúc là những màu hồng, màu vàng, màu xanh dương, màu trắng, màu xanh lá cây…

Nếu màu đen tượng trưng cho những gì xui xẻo, bất toàn, thua thiệt, bệnh tật và buồn tẻ thì toàn thời gian tuổi thơ và ngay lúc này, bức tranh cuộc đời tôi có lẽ phải được vẽ bằng màu này, vì hầu như tuổi thơ, tuổi thành niên, và ngay lúc này ở vào tuổi xế chiều tôi vẫn là người cô đơn, phần lớn thời gian sống xa người thân, xa quê hương, và tuổi đời lúc này đang hướng về chân trời tím bên kia cõi vĩnh hằng.

Lần bị pháo kích trên đường chạy giặc ở quê nhà lúc mới lên sáu, lên bẩy. Những lần chết đuối hụt trên con sông chảy về Phụng Hiệp, trên sông Lái Thiêu, ở bãi biển Nha Trang. Và lần rơi từ trên cây cao khi leo trèo tại dinh điền ở Phước Thành. Sang Mỹ ít là hai lần suýt chết do tai nạn giao thông, năm lần nếm mùi dao kéo nhà thương. Gần đây suýt bị bỏ rơi tại phi trường Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ vì không mang giấy tờ bên mình…  Những lúc như vậy chắc chắn màu đen không thôi chưa đủ mà phải hòa nhiều màu lại với nhau. Ánh sáng cũng phải lúc mờ, lúc tỏ mới có những chấm phá phô diễn được những nét đặc thù của từng biến cố.

Tóm lại, đời tôi không phải hoàn toàn được phác họa bằng màu đen, màu xám, hoặc tím. Cũng có những màu hồng rực rỡ, màu đỏ tươi tắn, màu xanh da trời thanh thoát, màu vàng qúy phái, và màu xanh lục đặm đà để diễn tả những tiếng cười ngây thơ, những bước chân nhí nhảnh đến trường, những thành qủa của học vấn, của nghề nghiệp, của hạnh phúc gia đình…

Nhìn chung, bức tranh đời tôi, bức tranh của tôi lúc này chưa hoàn tất, nhưng chắc chắn không phải chỉ được vẽ có một màu, hai, hoặc ba màu. Nó được trộn lẫn bởi nhiều màu. Nó cũng không phản ảnh ánh sáng tươi xinh, huy hoàng, hoặc chói chang, nhưng có những góc khuất của bóng tối, của bóng đêm u tịch, và có những chỗ mà thoạt nhìn vào không rõ nét.

Suy nghĩ về cuộc đời và bức tranh đời mình như vậy, tôi muốn tự rút ra cho mình một triết lý sống. Đó là cuộc đời con người phải có lúc vui, lúc buồn, lúc thành công, lúc thất bại, lúc hạnh phúc, lúc bất hạnh, lúc đạo đức và cũng có lúc đi hoang sa ngã… Tất cả đều được chấm phá và vẽ lên hài hòa theo cái nhìn của người nghệ sỹ tài ba là Thiên Chúa. Suy nghĩ này cũng giúp tôi ý thức được tình yêu bao Thiên Chúa dành riêng cho tôi, vượt trên những yếu đuối, mỏng dòn, và bất toàn của thân phân con người. Trong tất cả, nó là một hồng ân đặc biệt mà Ngài chỉ ban cho một mình tôi. Ngài không ban nó cho bất cứ một ai khác. Còn lại là thái độ của tôi khi đón nhận tặng vật tình yêu đó!

“Biết lấy gì cảm mến.
Biết lấy chi báo đền.
Hồng ân Chúa cao vời.
Chúa đã làm cho con”.

(Tâm Tình Hiến Dâng. Lm. Oanh Sông Lam)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.