Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Lu-ca
32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.
33 “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.
34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.
35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.
36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.
37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.
38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.
39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.
40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? “
42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?
43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.
44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.
45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,
46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.
48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
(Lc 12, 32-48)
Trong đoạn Tin Mừng chúng ta đọc Chúa nhật vừa qua, Chúa Giê-su nhắc nhở, những của cải Chúa trao gửi cho con người phải được quản lý vì lợi ích chung. Hôm nay, bài Tin Mừng chỉ bảo những người có trách nhiệm về những điều không phải thuộc của cải thế gian mà về đời sống cộng đồng.
Các lời khuyên bảo ấy được thể hiện qua ba bài dụ ngôn. Bài thứ nhất về các người giúp việc chờ chủ về; bài thứ hai, ngắn hơn, so sánh lúc người chủ bất chợt trở về như kẻ trộm (câu 39-40); bài thứ ba (kề từ câu 42), miêu tả lúc chủ nhân trở về và phán xét các gia nhân.
Trong các câu đầu, Chúa Giê-su tiếp theo mời gọi các môn đệ tìm kiếm điều chính yếu, đó là Nước Trời: «31 Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Lc 12, 31). Liền sau đó Ngài nói rõ hơn: «32 Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em». Có thể hiểu, Nước Trời này, các con hẳn đã được rồi, hãy tin như thế, mặc dù trái với những điều thấy được: «vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em». Câu này làm cho chúng ta nghĩ ngay đến sách Đệ Nhị Luật về sứ vụ của It-ra-en: «7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. 8Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập.» (Đnl 7, 7-8)
Lời cam kết của Thiên Chúa đối với dân tộc Ít-ra-en, một dân tộc nhỏ nhất các dân tộc, ở đây có thể so sánh với Lời cam kết của Đức Ki-tô đối với một nhóm nhỏ môn đệ đầu tiên. Phải chăng, đây cũng là một hạt nhân có sứ vụ phục vụ chương trình duy nhất của Thiên Chúa: chia sẻ vương triều của Ngài cho toàn nhân loại? Có lẽ hẳn là như thế, vì liền sau lời hứa ấy, Chúa Giê-su đòi hỏi nơi các môn đệ một cách sống đặc biệt: tất cả nhắm vào Nước Trời. «33 Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.» (Lc 12, 33-34). Có thể hiểu rằng: hãy chỉ nghĩ đến một điều, Lời Chúa hứa sẽ được thực hiện. Như trong sách Kha-ba-cuc: «Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.» (Kb, 2-3)
Đến đây, chúng ta nên đọc lại thư thánh Phao-lô viết cho tín hữu thành Tê-xa-lô-ni-ca: «5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.» (1Th 5, 5). Vì thế, ba bài dụ ngôn gom lại mang một ý nghĩa trội vượt: ở đây không phải là những lời khuyến cáo cho những người nam, người nữ có nhiệm vụ giúp việc (canh thức, nhẫn nại, lương tâm nghề nghiệp, xứng đáng…). Đây thật sự, là tất cả thái độ đức tin của những ai được mặc khải công trình của Thiên Chúa, và quan tâm đến công trình của Ngài: «35 Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ» (Lc 12, 35-38)
Tất cả Cựu Ước đều sống tâm tình cảnh giác ấy, ngôn sứ I-sa-i-a chẳng hạn: «17 Tôi mong đợi ĐỨC CHÚA, Đấng ẩn mặt không nhìn nhà Gia-cóp, tôi trông cậy vào Người.»
18 Này tôi và những đứa con mà ĐỨC CHÚA đã ban cho tôi, trong Ít-ra-en, chúng tôi là những dấu chỉ điềm báo» (Is 8, 17-18) «7 Phần tôi, tôi ngóng đợi ĐỨC CHÚA, tôi cậy trông Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi; Thiên Chúa của tôi sẽ nghe tiếng tôi kêu cầu» và ngôn sứ Mi-kha cũng nói: «7 Phần tôi, tôi ngóng đợi ĐỨC CHÚA, tôi cậy trông Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi; Thiên Chúa của tôi sẽ nghe tiếng tôi kêu cầu.» (Mk 7, 7). Và các thánh vịnh đều ca ngợi: «6 Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông» (Tv 130, 6); «4 Vâng, lạy CHÚA, chính Ngài là Đấng con van vỉ, ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con. Ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông.» (Tv 5, 4)
Dân tộc Ít-ra-en chưa quên đêm năm nào bên Ai-cập, Chúa ra tay can thiệp: «Cánh tay hùng mạnh Ngài làm chúng đờ như đá» (Xh 15, 16), đêm này được nhắc lại trong sách Khôn Ngoan (Bài đọc 1). Dân tộc It-ra-en qua trải nghiệm biết rằng Chúa sẽ đến vào giữa đêm; điều chính yếu là phải canh thức. Như thánh Phê-rô nói: «10 Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm» (2Pr 3, 10). Đó là ý nghĩa bài dụ ngôn thứ hai: «39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.»
Những câu sau cùng nghe như những lời cảnh báo, vì ngày Chúa trở lại, mỗi người trong chúng ta có phần trách nhiệm. Chúa tôn trọng sự tự do chúng ta, đến nỗi không ép chúng ta vào vương quốc của Ngài. Ngài không thực hiện điều ấy, không có ta. Nhưng vì Chúa dành phần tự hào lớn lao cho chúng ta, nên Ngài đề nghị chúng ta góp phần vào công trình cứu độ nhân loại. Vì lẽ đó, đời chúng ta thật vinh quang: Chúng ta có quyền «đôn đốc» chóng đến Ngày của Thiên Chúa, như thánh Phê-rô nói trong (2P 3). Vì thế, những nỗ lực chúng ta dù nhỏ bé khiêm nhường đi nữa, dành cho tình yêu và hoà bình, cũng góp phần dù ít oi nhưng cũng hữu hiệu – cho Ngày ấy đến. «43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.»
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0