SỐNG TIN MỪNG

“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”.

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay rất thích hợp để tiếp theo các Chúa nhật vừa qua. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều (Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô) bài này giới thiệu Chúa Giê-su như người kế nghiệp các ngôn sứ lớn của Cựu Ước. Sau lời tuyên xưng đức tin của Phê-rô Tông đồ và cũng là một mặc khải cho chúng ta, Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, chính Chúa loan báo cuộc thương khó của Ngài để mặc khải cho chúng ta một Đấng Mê-si-a chịu đau khổ, thì hôm nay chúng ta khám phá mầu nhiệm Chúa Ki-tô sắp phải đối đầu với sứ vụ của Ngài. Chúa phải lấy vài quyết định và những lời Ngài nói ở đây trước hết là một sự mặc khải về Ngài.

Quyết định đầu tiên: trở lại Giê-ru-sa-lem «51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem». Bản dịch dùng chữ «nhất quyết» nhưng trong nguyên gốc sách viết «Ngài trơ mặt» để lên Giê-ru-sa-lem. Cụm chữ trơ mặt nhắc đến bài ca thứ ba Người Tôi Trung (Is 50, 7). Để đối lại với sự bách hại, người Tôi Trung của I-sa-i-a nói «vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng». Trơ mặt ra có nghĩa là quyết tâm vì biết rằng không bao giờ Thiên Chúa bỏ rơi. Như câu 10 Thánh vịnh 15 Chúa nhật hôm nay. «Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty». Rồi một lúc nào đó, Chúa Giê-su cũng phải lấy quyết định không phải thẹn thùng tháo lui, như I-sa-i-a nói.

Đến đoạn lạ lùng nói về Sa-ma-ri. Một làng từ chối đón tiếp phái đoàn vì họ báo sẽ đi về Giê-ru-sa-lem. Các môn đệ liền có phản ứng, muốn giáng xuống làng này một hình phạt nặng nề. Thì đây một lần nữa Chúa Giê-su giải thích họ đã lầm người: họ lầm về Đấng Mê-si-a…

Ai cũng biết từ nhiều thế kỷ có sự đố kỵ giữa Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su lại lấy quyết định đi ngang qua một làng xứ Sa-ma-ri, mặc cho nguy cơ bị biệt đãi. Ở đây, Ngài phải lấy một quyết định khác, lần này sự cám dỗ đến từ các môn đệ của Ngài: Họ nhớ lại tiên tri Ê-li-a khi xưa gọi lửa từ trời thiêu đốt những kẻ theo tà đạo, những tiên tri của thần Ba-an. Đối với các môn đệ, Đấng trước mặt họ còn cao cả hơn thần Ba-an, gọi lửa từ trời là phải lẽ. Nhưng chính vì Chúa lớn hơn Ê-li-a, Ngài chính là tình yêu, Chúa Giê-su sẽ không dùng giải pháp bạo lực và uy quyền. Quả thật, Đấng Mê-si-a thật lạ kỳ đối với các người đang hiện diện. Chúa không phải là người vinh thắng như họ chờ đợi.

Kế tiếp, có ba cuộc gặp gỡ để chúng ta nghe ba câu trả lời rất khắt khe của Chúa Giê-su. Trước hết, khắt khe đối với chính Ngài, ba câu này nói lên cuộc tranh đấu nội tâm của Ngài.

Cuộc gặp gỡ thứ nhất: «57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58 Người trả lời: «Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu». Chúng ta chứng kiến ở đây trước một điều thật trớ trêu: Con Người trong sách Đa-ni-en là một nhân vật vinh quang cỡi mây từ trời ngự xuống và Thiên Chúa ban cho tước vua hoàn vũ. Trong lúc Chúa Giê-su loan báo Chúa sẽ vinh thắng nhưng đồng thời Ngài sống cuộc đời nay đây mai đó, nghèo nàn, thậm chí bị ruồng bỏ như vừa qua trong làng xứ Sa-ma-ri. Nếu ngày nay, người ta sẽ gán cho Ngài cái tên «vô gia cư!» Chúng ta nhận xét ở đây, như một tiếng vang của cảnh các cơn Cám Dỗ trong sa mạc: Sách Thánh đã tiên báo sự vinh thắng của Ngài, nhưng cuộc đời trần thế của Chúa diễn ra dưới sự nghèo khó và khiêm nhu.

Cuộc gặp gỡ thứ hai cho chúng ta một trong những câu rất đáng ngạc nhiên: «Chúa nói với một người «hãy theo ta», người ấy trả lời: «Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã. 60 Đức Giê-su bảo: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa». Đối với Chúa, bình thường Ngài rất sùng đạo Do Thái, câu trả lời ấy khó chấp nhận. Việc tôn kính cha mẹ, nhất là việc chôn cất rất quan trọng trong Luật Do Thái. Có lẽ Chúa Giê-su biểu lộ nơi đây, sự chọn lựa khủng khiếp của Ngài, loan báo vương quốc sự sống, đòi hỏi nơi Ngài một sự quyết tâm không hề lay chuyển. Trong ba người này, người thứ ba không tự mình đề nghị theo Chúa, chính Ngài gọi anh ta. Nếu Chúa gọi tức là vì tình yêu, và Ngài kêu gọi anh ta hãy yêu thương. Mọi tình yêu đều đòi hỏi phải hy sinh nhiều: Chúa Giê-su có trải nghiệm ấy; nhưng cùng lúc, câu của Chúa có tính cách giải thoát, một cách nào đó Ngài cất đi mặc cảm của chúng ta. Có khi hai bổn phận có vẻ mâu thuẫn với nhau, phải chọn lựa chu toàn sứ vụ của mình trước hết. Nếu sứ vụ này đòi hỏi như thế thì không nên thấy có lỗi, phải từ chối những điều bó buộc kia.

Sau cùng, cuộc gặp gỡ thứ ba: «Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã». Câu sau cùng này làm cho chúng ta nghĩ đến câu truyện về Ê-li-dê, ông cũng muốn theo Ê-li-a nhưng trước đó ông phải về từ biệt gia đình và Ê-li-a dạy ông phải biết «nhổ neo», dấn thân không quay trở lại. Trường hợp ở đây cũng tương tự, một người đến nghe giảng đầy thiện chí muốn theo đức Giê-su, nhưng xin được một thời hạn. Chúa Giê-su nói câu sau đây khá kinh hoàng: «Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa»

Trong văn chương cổ điển cũng có những ngạn ngữ tương đương như thế. Ví dụ như Pơ-li-nê nói muốn kẻ một luống cày ngay thẳng, không nên ngoảnh mặt lại. Chúa Giê-su còn khắt khe hơn câu tục ngữ ấy. Qua sự kiện này, Ngài tâm sự với chúng ta về sự từ bỏ đến cùng, không quay trở lại do sứ vụ của Ngài lúc nào cũng phải như thế. Đừng quên, câu truyện này xảy ra lúc Chúa lấy quyết định lên đường đi Giê-ru-sa-lem, tức là đi đến cuộc Thương khó và Thập giá: từ những thoải mái của ngôi nhà gia đình Na-da-rét đến con đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su sống trong từng thớ thịt muôn ngàn sự trì kéo đắn đo.

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.