SỐNG TIN MỪNG

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích sách Tông đồ Công vụ (2:1-11)

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. 5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư?8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

Trước khi Lễ Ngũ Tuần là một Lễ Ki-tô giáo, lễ này là một lễ của người Do Thái. Ngày lễ này đã có từ nghìn xưa, và trước khi là lễ Do Thái; đây là một ngày lễ vui mùa gặt hái. Không ai biết khởi đầu từ lúc nào: đây đó còn tìm thấy trong lịch sử vài dấu vết qua những nghi thức truyền lại từ đời này qua đời kia. Lễ Ngũ Tuần, trước kia là một lễ của giới nghề nông, nhưng dần dần những kỷ niệm về Giao Ước được ghép vào, và ý nghĩa tôn giáo được nổi bật hơn lên. Xin mở ngoặc, lễ Vượt Qua cũng xảy ra giống như lễ Ngũ Tuần.

Lễ Vượt qua đã có trước thời ông Mô-sê; các nghi thức thuộc về người trồng trọt và chăn nuôi vào mùa xuân. Và rất có thể, có một liên quan nào đó giữa hai lễ, một lễ vào mùa xuân, giữa mùa gặt hái, lễ kia nhằm cuối mùa gặt. Hai lễ cách nhau bằng thời gian một mùa gặt, có lẽ từ 6 đến 8 tuần. Trong lúc sách Xuất Hành kể rằng cuộc giải thoát khỏi Ai cập xảy ra vào lễ Vượt qua. Kể từ đó, mỗi khi cử hành ngày lễ của cha ông vào mùa xuân, họ tưởng niệm đến ngày Lễ Vượt Qua khi xưa Thiên Chúa giải thoát dân tộc. Vì lẽ đó, dần dần lễ Vượt Qua trở thành ngày lễ Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Cũng vì lẽ ấy, sách Xuất Hành kể rằng Thiên Chúa ban các Bia Luật Mô-sê vài tuần lễ sau khi thoát khỏi Ai-cập, và vì thế ngày lễ được mùa, nay có thêm một ý nghĩa mới: ngày này là ngày lễ Chúa ban cho Bia Lề Luật. Sau này, hai lễ được định ngày rõ ràng và cách nhau chính xác 7 tuần lễ. (Ngày lễ thứ hai, ngày chúng ta đang cử hành rút ra cái tên từ đó: tiếng Do Thái là «Sa-vu» nghĩa là «những tuần lễ», tiếng Hy lạp có nghĩa là «năm mươi», 7 tuần lễ là 49 ngày, người ta cử hành ngày hôm sau là ngày thứ 50. Đối với chúng ta lễ Ngũ tuần cách lễ Phục Sinh 50 ngày).

Dân dần, dân It-ra-en suy niệm và khám phá ra hai ngày lễ có một mối liên hệ sâu xa với nhau. Ngày Lễ Vượt Qua là ngày được giải thoát thể lý: ra khỏi ách nô lệ Ai-cập, thế nhưng có thứ nô lệ khác hơn thể lý. Lễ Ngũ Tuần là ngày lễ được ban cho Lề Luật, điều này được hiểu như một cuộc giải thoát thiêng liêng (Lề luật đối với dân It-ra-en là con đường dẫn đến tự do)

Thời Chúa Giê-su Ki-tô, ngày lễ Ngũ Tuần Do Thái, lễ của Lề Luật được trao ban, là một ngày lễ quan trọng. Đây là một trong ba ngày lễ người Do Thái đi hành hương Giê-ru-sa-lem. Câu đầu của bài đọc hôm nay nhắc cho chúng ta điều ấy: «1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi». Dĩ nhiên, thánh Lu-ca nói ở đây về các môn đệ, nhưng phần sau có nói lúc ấy thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy người đến từ tứ phương, đó là những người Do Thái sùng đạo đến có khi từ thật xa: «5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về». Rất nhiều người tựu về Giê-ru-sa-lem năm Chúa Giê-su chết. Tôi cố tình nói Chúa Giê-su «chết», không nói về Chúa Phục sinh vì chỉ có trong vòng thân mật mới biết Chúa Phục sinh. Tất cả những người đến từ khắp nơi, có lẽ chưa bao giờ nghe nói đến một ông Giê-su thành Na-da-rét nào đó. Năm ấy ngày lễ Ngũ Tuần cũng như những năm khác; thế nhưng không phải là không quan trọng! Mọi người đến Giê-ru-sa-lem với lòng sùng đạo, hân hoan hành hương để canh tân Giao Ước với Thiên Chúa.

Đối với các môn đệ, dĩ nhiên ngày lễ Ngũ Tuần năm nay, năm mươi ngày sau khi Chúa Giê-su Phục sinh; Đấng mà họ biết là Đấng Ki-tô, Đấng «Mê-si-a» mà họ đã thấy, đã nghe và đã sờ Ngài, sau khi Phục Sinh, không giống một ngày lễ nào trước đó. Nhưng không thể nói họ chờ đợi những gì sẽ xảy ra!

Để hiểu việc gì sẽ xảy ra, thánh Lu-ca miêu tả cho chúng ta bằng những ngôn từ được chọn thật chu đáo gợi lên liên quan đến ba tài liệu của Cựu Ước. Ba bài ấy là Chúa ban Bia Lề Luật trên núi Si-na-i, một lời của tiên tri Giô-en, và thời tháp Ba-ben.

Bắt đầu bằng sa mạc Si-na-i. Các lưỡi lửa ngày lễ Ngũ tuần: «tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà», gợi lên ngay cho chúng ta những gì xảy ra tại Si-na-i, khi Chúa trao các Bia Lề Luật cho Mô-sê. Chúa ngự xuống trong lửa, khỏi lửa bay nghi ngút như một lò lửa khổng lồ, làm núi rung chuyển mạnh… Mô-sê nói với Thiên Chúa, Ngài trả lời bằng sấm sét. Thánh Lu-ca miêu tả giống sự kiện đã xảy ra tại Si-na-i để cho chúng ta hiểu ngày lễ Ngũ Tuần năm nay không như mọi năm, rất quan trọng; hơn là một cuộc hành hương bình thường: đây là một Si-na-i mới. Khi xưa, Thiên Chúa ban  Lề Luật để dạy dân chúng sống trong Giao Ước, từ nay, Thiên Chúa cho dân Ngài chính Thần Khí của Chúa. Thì đây chúng ta nghe lại lời tiên tri Ê-dê-ki-en: «19 Ta … đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, 20 để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng» (Ed 11, 19-20). Lề Luật của Thiên Chúa (không nên quên là điều kiện duy nhất để sống thật sự tự do và hạnh phúc) hôm nay không được khắc trên bia đá mà vào bia bằng thịt, vào tim con người.

Điều thứ hai, tôi đã nói thánh Lu-ca hẳn muốn gợi lên một lời của Tiên tri Giô-en. Thật vậy, trong chương thứ 2 chúng ta có thể đọc: «Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm.» (Ge 2, 28). Việc thánh Lu-ca kể ra tất cả các quốc tịch hiện diện tại Giê-ru-sa-lem năm ấy và nói rõ: «những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về», điều này cho chúng ta thấy lời tiên tri được hoàn tất.

Sau cùng về tháp Ba-ben, các bạn hẳn còn nhớ câu truyện tháp Ba-ben. Nếu tóm tắt lại, chúng ta có thể thuật như một vở kịch gồm hai màn. Màn 1, mọi người nói một thứ tiếng, nói giống nhau cùng một loại từ ngữ. Họ quyết định gom nỗ lực xây một công trình vĩ đại: đó là một cái tháp khổng lồ… Màn 2, Thiên Chúa can thiệp để ngưng lại: Ngài giải tán mọi người ra khắp trái đất và cho họ nói mỗi nhóm người một thứ tiếng, từ đó họ không hiểu nhau nữa. Chúng ta tự hỏi phải kết luận sao đây? Nếu chúng ta không có ý nghĩ xấu về Chúa, chúng ta không thể nào tưởng tượng rằng Chúa hành động với ý muốn cho con người hạnh phúc. Như thế Thiên Chúa can thiệp là để con người không đi lạc hướng: đó là giả thuyết, ý tưởng duy nhất, một chương trình duy nhất. Có thể nói như thế này: các con tìm sự hiệp nhất, tốt đấy, nhưng đừng lầm đường: sự hiệp nhất không phải đồng hoá! Sự hiệp nhất thật sự trong tình yêu chỉ có trong đa dạng.

Bài tường thuật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của thánh Lu-ca là trong bối cảnh tháp Ba-ben: tại Ba-ben nhân loại học tính đa dạng, trong Lễ Thánh Thần Hiện Xuống con người nhận bài học hiệp nhất trong đa dạng. Kể từ nay, muôn dân sống dưới một bầu trời sẽ nghe bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, tuyên xưng một sứ điệp duy nhất: đó là kỳ công Thiên Chúa.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.