Giáo hội hoàn vũ

Bài giảng trong phụng vụ phong chân phúc cho 7 vị tử đạo Lỗ Ma Ni của Đức Phanxicô

Vũ Văn An

Vietcatholic.net, 02/Jun/2019

 

Theo tin Zenit, ngày 2 tháng Sáu, tại thành phố Blaj, Đức Phanxicô đã phong chân phúc cho 7 vị giám mục Lỗ Ma Ni tử đạo và bị tra tấn dưới chế độ Cộng Sản giữa các năm 1950 và 1970, trong đó có một vị Hồng Y.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu trở thành “các chứng tá của tự do” và lòng thương xót, luôn nhớ đến cuộc bách hại mà người của đức tin tại đây đã chịu dưới các chế độ trong quá khứ.

Ngài nói: “ [Tôi] khuyến khích anh chị em đem Tin Mừng đến những người đồng thời của chúng ta và tiếp tục, giống các chân phúc đây, chống cự lại các thứ ý thức hệ mới đang xuất hiện ngày nay”.

“Ước mong anh chị em trở thành các nhân chứng của tự do và lòng thương xót, bằng cách để tình huynh đệ và đối thoại chiếm ưu thế đối với các chia rẽ, bằng cách củng cố tình huynh đệ máu mủ nảy sinh trong thời kỳ đau khổ, khi các Kitô hữu, trong lịch sử vốn chia rẽ, thấy mình gần gũi nhau hơn”.

Ngài kết luận, bằng cách cầu nguyện “xin sự bảo vệ mẫu thân của Đức Trinh Nữ Maria và sự cầu bầu của các tân Chân phúc đồng hành cùng anh chị em trong hành trình của anh chị em”.

Sau đây là bản tin và trọn bản văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng do Tòa Thánh cung cấp bằng tiếng Anh:

Sáng nay, sau khi rời khỏi Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân bay Bucharest, từ đó, lúc 9 giờ sáng (8 giờ sáng tại Rôma) – trên chuyến bay TAR7 B737 / 800 – ngài rời đi Sibiu. Khi đến sân bay Sibiu, Đức Giáo Hoàng được Thị trưởng, Chủ tịch Vùng và Quận trưởng chào đón. Sau đó, ngài được xe hơi đưa đến Blaj.

Khi đến Blaj, Đức Giáo Hoàng được Đức Hồng Y Lucian Mureşan, Đức Tổng Giám Mục Făgăras şi Alba Iulia, Thị trưởng, Chủ tịch Vùng và Quận trưởng chào đón. Sau đó, ngài được Giáo Hoàng Xa đưa tới Campo della Libertà. Sau khi chạy một vài vòng giữa các tín hữu, vào lúc 11 giờ sáng (10 giờ sáng giờ Rôma), Đức Thánh Cha chủ tế Phụng vụ thánh với việc phong chân phúc cho 7 Giám mục Công Giáo Hy Lạp Tử Đạo: Đức Cha Iuliu Hossu, Đức Cha Vasile Aftenie, Đức Cha Ioan Bălan, Đức Cha Valeriu Traian Frenţiu, Đức Cha Ioan Suciu, Đức Cha Tit Liviu Chinezu và Đức Cha Alexandru Rusu.

Trong lễ cử hành Thánh Thể, sau khi công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã giảng lễ. Sau lời cầu nguyện làm phép và thánh hiến ảnh các tân Chân phúc, Đức Hồng Y Lucian Mureşan ngỏ lời chào kính Đức Giáo Hoàng và, nhân danh Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Lỗmani, tặng ngài một món quà là chiếc hộp bằng bạc có chứa một số thánh tích các tân Chân phúc và bức ảnh của các ngài. Sau đó, Đức Thánh Cha hướng dẫn việc đọc kinh Lạy Nữ Vương và sau khi ban phúc lành cuối cùng, ngài dùng xe hơi đến Điện Curia của Blaj, nơi ngài dùng bữa ăn trưa với đoàn tùy tùng.

Chúng tôi công bố dưới đây bài giảng mà Đức Giáo Hoàng đã đọc trong buổi cử hành:

“Thưa thầy, ai đã phạm tội, người đàn ông này hay cha mẹ của anh ta khiến anh ta bị mù từ lúc mới sinh?” (xem Ga. 9:2). Câu hỏi của các môn đệ với Chúa Giêsu đã kích thích một loạt các hành động và biến cố sẽ đi kèm với toàn bộ trình thuật Tin Mừng và tiết lộ cho thấy điều thực sự đã làm mù trái tim con người.

Giống các môn đệ của Người, Chúa Giêsu nhìn thấy người đàn ông bị mù từ khi mới sinh ra. Người nhận ra anh ta và hoàn toàn chú ý đến anh ta. Sau khi nói rõ ràng rằng việc người đàn ông mù không phải là kết quả của tội lỗi, Người trộn lẫn bụi đất với nước bọt của Người và bôi nó lên đôi mắt của người đàn ông. “Rồi, Người nói với tôi đi rửa mắt trong giếng Siloam”. Sau khi rửa, người đàn ông mù từ khi mới sinh ra đã hồi phục thị lực. Điều đáng lưu ý là phép lạ được kể lại chỉ trong hai câu; mọi điều khác liên quan tới người mù đã hồi phục thị lực, nhưng với những lý luận theo sau việc anh được chữa lành. Dường như cuộc sống của anh ta là một chủ đề ít được ai quan tâm, ngoại trừ thỉnh thoảng bị tranh luận, khó chịu và tức giận. Rồi, đến những người Pharisiêu, những người cũng cật vấn cha mẹ của anh ta. Họ tra vấn danh tính của người đàn ông được chữa lành; rồi họ phủ nhận hành động của Thiên Chúa, với lý do là Thiên Chúa không làm việc trong ngày Sabát. Họ mới thực sự bị mù từ lúc mới sinh.

Toàn bộ khung cảnh và lý luận cho thấy khó có thể hiểu các hành động và ưu tiên của Chúa Giêsu, Đấng có khả năng đặt vào trung tâm một con người vốn ở bên lề, nhất là khi người ta nghĩ rằng ngày “sabát” có giá trị hàng đầu chứ không phải tình yêu Thiên Chúa, Đấng tìm cách cứu vớt mọi người (x. 1 Tim 2: 4). Người mù phải sống không những với sự mù lòa của chính mình, mà còn với sự mù lòa của những người xung quanh. Chúng ta có các quyền lợi, nhãn hiệu, lý thuyết, những điều trừu tượng và ý thức hệ đặc biệt, chỉ ráng làm mù mọi thứ xung quanh chúng. Cách thức của Chúa khác hẳn: thay vì ẩn mình phía sau việc không hành động hoặc ý thức hệ trừu tượng, Người tìm những người có mặt mũi, thương tích và lịch sử. Người đi gặp gỡ họ và không để bị lừa bởi những ngôn từ không có khả năng dành ưu tiên cho những điều thực sự quan trọng và đặt nó ở trung tâm.

Các lãnh thổ này biết rõ con người phải chịu đau khổ như thế nào khi một ý thức hệ hay một chế độ nắm quyền, tự đặt mình thành quy tắc sống và đức tin của mọi người, làm giảm và thậm chí loại bỏ khả năng quyết định, tự do và không gian sáng tạo của họ (x. Laudato Si’, 108). Anh chị em thân mến, anh chị em đã chịu đau khổ vì những ngôn từ và hành động dựa trên sự khinh miệt từng dẫn đến việc loại trừ và triệt hạ những ai không thể tự bảo vệ và làm câm các tiếng nói bất đồng. Tôi nghĩ đến bảy Giám mục Công Giáo Hy Lạp mà tôi đã có niềm vui được phong chân phúc. Trước sự chống đối quyết liệt của chế độ, các ngài chứng tỏ một đức tin và tình yêu gương mẫu cho giáo dân của các ngài. Với lòng can đảm vĩ đại và sự dũng cảm nội tâm, các ngài đã thiết lập được niềm tín thác và tin tưởng vào Giáo hội yêu dấu của các ngài. Các mục tử, tử đạo vì đức tin này, đã tái chiếm hữu và truyền lại cho người Lỗ Ma Ni, những điều mà chúng ta có thể tóm gọn trong hai cũm từ: tự do và lòng thương xót.

Về tự do, tôi không thể không lưu ý rằng chúng ta đang cử hành Phụng vụ thánh này tại “Cánh đồng Tự do”. Nơi này, nơi đầy ý nghĩa, gợi lên sự hợp nhất của con người, một sự hợp nhất tìm thấy trong tính đa dạng của các biểu thức tôn giáo của nó. Tất cả những điều này tạo thành di sản tinh thần làm phong phú và phân biệt nền văn hóa Lỗmani và bản sắc dân tộc. Các tân chân phúc từng chịu đau khổ và hiến mạng sống của các ngài để chống lại một ý thức hệ áp bức các quyền căn bản của con người nhân bản. Trong thời kỳ bi thảm đó, đời sống của cộng đồng Công Giáo bị thử thách bởi một chế độ độc tài và vô thần. Các Giám mục và Đức tin của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp và những người thuộc Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Latinh đã bị bách hại và cầm tù.

Khía cạnh khác của di sản tinh thần của các tân chân phúc là lòng thương xót. Sự kiên trì của họ trong lòng trung thành tuyên tín với Chúa Kitô rất xứng đôi với việc sẵn lòng chịu tử đạo mà không tỏ một lời giận ghét đối với những kẻ bắt bớ họ và thực sự đáp lại những người này bằng một sự hiền lành tuyệt vời. Những lời mà Đức Giám Mục Iuliu Hossu nói trong thời gian bị giam cầm rất hùng hồn: “Thiên Chúa từng cảm thấy bóng tối của sự đau khổ này nên đã sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho mọi người hoán cải”. Những lời này là biểu tượng của thái độ được các chân phúc này dùng, trong thời gian thử thách, để nâng đỡ giáo dân của các ngài trong việc tuyên xưng đức tin không thỏa hiệp hoặc trả đũa. Thái độ thương xót này đối với các lý hình là một sứ điệp tiên tri, vì ngày nay nó là một lời mời gọi mọi người chiến thắng hận thù bằng đức ái và tha thứ, bằng cách sống đức tin Kitô giáo một cách kiên định và can đảm.

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng vậy, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của những ý thức hệ mới. Các hình thức thực dân ý thức hệ làm mất giá trị con người, sự sống, hôn nhân và gia đình (x. Amoris Laetitia, 40), những người trẻ tuổi và trẻ em, khiến họ không còn gốc rễ để từ đó có thể lớn lên (xem Christus Vivit, 78). Lúc đó, mọi điều trở nên không còn hệ trọng trừ khi nó phục vụ lợi ích trước mắt của chúng ta; người ta được dẫn dắt để lợi dụng người khác và coi họ như những đồ vật đơn thuần (x. Laudato Si’, 123-124). Những tiếng nói đó, bằng cách gieo rắc sợ hãi và chia rẽ, đang chôn vùi những điều tốt đẹp nhất của các lãnh thổ này. Về phần di sản, tôi nghĩ, chẳng hạn, đến Sắc chỉ Torda năm 1568, một sắc chỉ đã cấm mọi hình thức duy cực đoan và là một trong những sắc chỉ đầu tiên ở châu Âu nhằm cổ vũ hành động khoan dung tôn giáo.

Tôi muốn khuyến khích anh chị em đem Tin Mừng đến những người đương thời của chúng ta và tiếp tục, giống như các Chân phúc này, chống lại các tân ý thức hệ đang xuất hiện này. Ước mong anh chị em trở thành các nhân chứng của tự do và lòng thương xót, bằng cách để tình huynh đệ và đối thoại chiếm ưu thế đối với các chia rẽ, bằng cách củng cố tình huynh đệ máu mủ nảy sinh trong thời kỳ đau khổ, khi các Kitô hữu, trong lịch sử vốn chia rẽ, thấy mình gần gũi nhau hơn. Anh chị em rất thân mến, xin sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và sự cầu bầu của các tân Chân phúc đồng hành cùng anh chị em trong hành trình của anh chị em.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.