Trần Mỹ Duyệt
6.TRÊN ĐỒI GOLGOTHA
Calvary loang máu
Theo Tân Ước, Golgotha là tên của nơi mà Chúa Giêsu bị đóng đanh. Địa điểm chính xác Golgotha ở đâu thì vẫn còn đang trong vòng tranh luận.
Vào khoảng thế kỷ thứ tư, Thánh Đường Mồ Thánh đã được xây trên Golgotha hiện nay được biết đến do thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantine. Nhưng vào thế kỷ 19, các nhà khảo cứu bắt đầu tranh luận về địa điểm này, một số cho rằng Thánh Đường Mồ Thánh ở bên trong bức tường thành, mà nay là Thành Cổ của Jerusalem. Do đó, Golgotha đáng lý ra phải ở bên ngoài theo phong tục của người Roma và người Do Thái, điều này cũng hợp với những gì các Thánh Sử đã ghi là Chúa Giêsu bị đóng đanh ngoài thành (Mar 15:20; Mat 27:31ff; Gioan 19:17ff). Tóm lại, Golgotha tọa lạc thực sự ở đâu lúc này vẫn đang được các học giả nghiên cứu và phân tích.
Tuy nhiên, vẫn theo một số các nhà nghiên cứu khác (Marcel Serr and Dieter Vieweger in the May/June 2016 issue of Biblical Archaeology Review), Golgotha bây giờ được xây trùm bên trong Thánh Đường Mộ Chúa. Nơi đây là nơi Chúa Giêsu bị đóng đanh. Không xa, là huyệt mộ ông Giuse đục vào đá cũng là nơi mai táng Chúa sau khi Ngài được đưa xuống khỏi thánh giá.
Golgotha, tiếng Aramaic có nghĩa là “sọ”, cũng được gọi là Calvary vì ngọn đồi này có hình một sọ người ở Jerusalem. Trong Tân Ước thánh Gioan (19:16-18) ghi: “Vì thế họ bắt Chúc Giêsu, và Người đi ra, vác thánh giá, đến một nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Aramaic gọi là Golgoth. Ở đó họ đóng đanh Người cùng với hai người khác, mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa.”
Hành hương đến Jerusalem viếng thăm Đất Thánh mà không lên đồi Golgotha là một thiếu sót. Ngọn đồi này là tài sản thiêng liêng vô cùng quí giá của Công Giáo và Chính Thống Giáo gồm những thánh tích mang ý nghĩa lịch sử và công trình kiến trúc đặc biệt. Nhưng để vào được đền thờ Mồ Thánh, được động chạm đến nơi Chúa bị đóng đanh, bị treo trên thập giá, và táng trong mồ là một sự nhẫn nại, chờ đợi. Đây không phải là nơi mà ai muốn vào, muốn ra, muốn đến, muốn đi lúc nào cũng được. Trung bình phải chờ đợi một hoặc hai tiếng. Khách hành hương phải đứng sát với nhau thành từng đoàn, nhích đi từng bước trong kiên nhẫn chờ đợi. Không khí im lặng một cách thiêng liêng và hồi hộp. Nếu để tâm trí hướng về buổi trưa hôm đó, cách đây hơn 2.000 năm, và cũng trên đồi này, ngay tại nơi đây, ta có thể nghe như những tiếng búa của bọn lý hình đang đóng mạnh vào những chiếc đinh làm xuyên qua tay, chân Chúa. Chắc chắn là Chúa đau đớn lắm, quằn quại theo từng tiếng búa, và từng tấc đinh đi vào thân xác Ngài. Và ta cũng còn nghe thấy những tiếng cười nhạo của các thượng tế, kỳ lão, cùng với dân chúng qua lại: “Nó đã cứu được người khác mà không cứu được lấy mình!” (Mac 15:31).
Rồi sự nhẫn nại, chờ đợi cũng được thưởng. Mỗi người chỉ được không quá 1 phút qùy trước chiếc hố mà lý hình đã đào để dựng thập giá. Các phụ nữ thì khóc sướt mướt. Hầu như mọi người đều cố thò tay mình xuống sâu dưới hố để cảm nhận và múc lấy cho mình những hồng ân chan chứa đến từ cái chết của Con Thiên Chúa. Tôi không nhớ lắm mình có thò tay xuống hố, nhưng tôi nhớ rất rõ là đã đặt một nụ hôn tại nơi này.
Xong rồi còn phải đi vào trong hang nơi táng xác Chúa nữa. Cũng lại phải xếp hàng, phải nhẫn nại, chờ đợi. Và mỗi người cũng không được quá một phút để chạm tay mình, để đặt môi hôn lên nơi mà xác thánh Chúa đã được mai táng. Ngôi mộ trống, nhưng nó chính là tiếng nói lịch sử của sự sống lại hiển vinh của Chúa Giêsu phục sinh.
Đồi Golgotha, nơi Con Chúa bị đóng đinh nhắc nhở cho chúng ta về một sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chỉ duy hy lễ hiến tế của Người mới có thể đền bù được tội lỗi nhân loại và giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. (Do Thái 10:12; Acts 4:12).
Thập giá cứu độ
“Rồi Chúa Giêsu kêu lớn tiếng, ‘Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha’. Nói rồi, Người gục đầu tắt thở” (Luca 23:46).
Đóng đinh Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử đã được cả bốn Phúc Âm nhắc tới. Theo các thánh ký thì sau khi bị bắt tại vườn Cây Dầu, Chúa bị giải đến nhà Anna, dinh Caipha ở đó Hội Đồng Cộng Tọa (Sanhedrin) đã kết án Ngài, rồi giao nộp cho Philatô để đánh đòn, sau cùng kết án đóng đinh thập giá Ngài. Trước đi bị đóng đinh, lý hình đã lột trần trụi Chúa. Đây là một hành động xỉ nhục cuối cùng trước khi chúng đóng đanh Ngài.
Chúa xuống thế để cứu chuộc trần gian. Ngài chấp nhận mang thân phận tôi đòi, sống như những người nghèo khổ nhất thì bị khinh chê thêm một lần nữa có là chi. Không những thế, Ngài yêu thương nhân loại “cho đến cùng”. Món quà tình yêu cuối là Ngài đã trao lại Mẹ mình cho nhân loại qua Gioan: “Hỡi bà, này là con bà” (Gioan 19:26). Sau khi Ngài tắt thở, còn lại chút máu và nước trong trái tim, Chúa cũng đổ ra hết, “một tên lính đã lấy đòng đâm thấu cạnh sườn Ngài, máu và nước chảy ra”. Gioan, người môn đệ đứng dưới chân thập giá đã chứng kiến và ghi lại.Tóm lại qua thập giá, chúng ta mới khám phá ra được tình yêu vô bờ bến mà Chúa Giêsu đã đành cho nhân loại. Một tình yêu mà chính Ngài đã tự định ra cho mình, và đặt giới hạn khi thể hiện tình yêu này: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13).
Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá là trung tâm của nền thần học Kitô giáo. Mầu nhiệm thập giá có liên quan đến giáo lý cứu độ và sự chết của Chúa. Đây được gọi là lịch sử cứu độ. Có thể nói, hầu hết những nguồn sử xa xưa nói về cuộc đóng đinh của Chúa Giêsu chỉ được coi như lưu truyền qua chữ nghĩa, sách vở, nhưng căn cứ vào cuộc khai quật khảo cổ năm 1968 ở phía đông bắc Jerusalem đã chứng minh rằng việc đóng đanh trong thời Rôma phù hợp với cuộc đóng đanh của Chúa Giêsu mà các sách Phúc Âm đã viết lại.
Thập giá không chỉ được biết đến như hai khúc gỗ làm dàn để đóng đinh một người. Nó cũng không phải là một hình phạt dành cho những tội nhân nô lệ. Với Chúa Giêsu, thập giá đã trở thành nguồn ơn giải thoát và cứu độ. Quan trọng là con người có thể hiểu, chấp nhận, và tận dụng kho tàng cái chết của Ngài không? Nó mang ý nghĩa gì trong cuộc sống tâm linh và đời thường của mỗi người?
Nếu nói thập giá là những gì tủi hổ, thua thiệt, thất vọng, đau khổ, mất mát thì trong đời sống chúng ta trên cõi trần gian này nhìn đâu cũng thấy thập giá. Chồng đó, vợ đó, con cái đó, công ăn việc làm đó, yếu đuối bệnh tật, nghèo túng đó, những oan kiên và vất vả đó… Tóm lại, nhìn trước, nhìn sau, nhìn lên, nhìn xuống, quay sang phải, quay sang trái đâu đâu cũng thấy bóng dáng của thập giá. Nhưng nhờ thập giá Đức Kitô, những khó khăn, vất vả và trăn trở của kiếp người đã mang một ý nghĩa mới. Từ thập giá, thành thánh giá. Thánh giá cứu độ Chúa dành cho tôi, và thánh giá cứu độ tôi lập được nhờ vào sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.
“Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ”. Xin giúp con biết trân quí, đón nhận và mang vác những thập giá cuộc đời với ý nghĩa cứu độ và giải thoát.
(Còn tiếp)
Views: 0