Trần Mỹ Duyệt
Thế là Giêsu nay đã thành nhân: “Tam thập nhi lập”. Một thanh niên lực lưỡng, khỏe mạnh, khôn ngoan và nhân đức. Ngài bắt đầu từ giã Mẹ mình và đi vào một hành trình rao giảng Tin Mừng cứu độ đúng như mục đích giáng trần của Ngài. Cũng từ thời điểm này, không thấy Thánh sử nào nhắc đến Giuse, vì trong suốt 3 năm rao giảng và ngay trên đồi Golgotha, chỉ thấy bóng dáng của Đức Maria. Do đó, thánh Giuse được cho như đã qua đời. Người tôi tớ trung thành, công chính đã làm tròn sứ mạng, nuôi dưỡng Chúa Cứu Thế và chở che Đức Mẹ.
Khách hành hương viếng thăm Biển Hồ Galilee, làng Capernaum, còn hình dung thấy hình ảnh của một Giêsu theo sau là nhóm 12 Tông Đồ và một số môn đệ trong đó có cả các phụ nữ lên xuống, ra vào khắp vùng để nói, rao giảng, và làm các phép lạ. Biển Hồ còn đó, hội đường Capernaum còn đó, nhà của Phêrô còn đó, cả phiến đá được ghi dấu nơi Ngài ngồi ăn sáng với các Tông Đồ sau khi sống lại, và nơi Ngài đã trao cho Phêrô quyền thay Ngài điều khiển Giáo Hội cũng còn đó. Tiến xa hơn là Núi Bát Phúc, Núi Tabo, Căn nhà Tiệc Ly, Vườn Cây Dầu, Dinh Philatô, đường lên Golgotha, Núi Sọ, Núi thăng thiên. Mỗi nơi như vẫn còn ghi bóng dáng của Chúa, của các môn đệ, và văng vẳng lời giảng dạy của Ngài.
4.HÀNH TRÌNH RAO GIẢNG TIN MỪNG
Dòng sông Jordan
Sông Jordan chảy qua một bình nguyên rộng lớn và khô cằn giữa Biển Galilee và Biển Chết. Nó cung cấp nước cho nền nông nghiệp chủ yếu là những nông trại chà là và dừa (palm) vùng Trung Đông.
Giống như các con sông khác, sông Jordan cũng đi qua nhiều quốc gia. Không phải chỉ thời gian mà Thánh Kinh nhắc tới, hiện nay sông này còn là làn ranh giữa Israel và Palestine phía tây vương quốc Jordan ở bờ tây.
Lịch sử đáng nhớ nhất của sông này, theo Thánh Kinh là lần khi Joshua thay Maisen dẫn dân Israel băng qua nó để vào đất hứa (Josh 3-4), và trong hành trình Jocob đến Paddan-Aram để sống với cậu là Laban. Nhưng quan trọng nhất là chính trên dòng sông này, Chúa Giêsu đã tới và chịu phép rửa từ Gioan Tẩy Giả. Thánh Kinh ghi nhận: “Vừa khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Người ra khỏi nước. Và các tầng trời mở ra, Thánh Thần Chúa như chim bồ cầu xuất hiện đỗ trên đầu Người” (Matthew 3:16-17). Câu truyện đặc biệt được thánh sử Matthêu ghi về biến cố này là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Khi Chúa Giêsu xin Gioan làm phép rửa thì ông thưa với Chúa: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3:14-15).
Các nhà khảo cổ và nghiên cứu Thánh Kinh cùng nhiều khách hành hương đã đến để viếng dòng sông này. Ở đây, họ tìm thấy dấu vết của 5 ngôi thánh đường được xây dựng từ thế kỷ thứ 5. Ngay ở phía đông sông Jordan vào khoảng 9 Km phía bắc Biển Chết là nơi được cho là nơi Gioan làm phép rửa thống hối, và trong dòng người đến với ông có Chúa Giêsu. Nơi này được xác nhận mang tính cách lịch sử căn cứ vào dấu tích của một ngôi thánh đường được hoàng đế Anastasius (491-518 AD) xây.
40 năm sau (A.D 570, Antonius Tử Đạo thành Piacenza cũng đã cho biết rằng tín hữu thờ đó cử hành Lễ Hiển Linh ngay bên bờ sông của nơi mà Chúa đã chịu phép rửa. Tiếp theo 100 năm sau, Arculfus người Pháp (A.D. 670) cũng xác nhận một ngôi thánh đường được xây trên nơi chiếc áo choàng của Chúa Giêsu đã để khi Ngài xuống dòng sông Jordan chịu phép rửa. Gần đây nhất, vào năm 1106-1107 A.D, Viện Phụ Daniel viết rằng: “Nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa khoảng cách bằng ném một hòn đá.”
Trước khung cảnh giữa trời và đất, giữa những làn gió nhẹ thổi lên từ mặt sông hòa cùng cái nóng của sa mạc, khách hành hương như chìm vào khung cảnh năm xưa khi cùng đoàn người khắp nơi đến với Gioan Tẩy Giả để nhận phép rửa thống hối. Tôi trở về đây hôm nay mà lòng vui mừng khôn tả. Đến lại nơi xưa Thầy mình đã trầm mình dưới dòng nước đón nhận phép rửa để xóa tội cho mình mà không thấy Thầy. Và tôi cũng đã cởi bỏ giầy vớ lội xuống dòng sông, vục những vốc nước mát lạnh từ dòng sông dội trên đầu, rửa sạch khuôn mặt mang dấu tích tội khiên mà thầm nguyện xin Chúa thương ban ơn tha thứ. Cũng như những anh chị em khác, tôi đã xin lập lại nghi thức rửa tội, để xác tín một lần nữa trên dòng sông này, tôi sẵn sàng từ bỏ Satan, từ bỏ quá khứ tội lội để được mặc lấy tâm tình mới của người con Chúa, như tôi đã được mặc con người mới nơi giếng nước rửa tội khi còn bé.
Sa mạc và cám dỗ
“Rồi Chúa Giêsu đầy tràn Thánh Thần, trở về từ sông Jordan, và được Thánh Thần đưa vào hoang địa, ở đó 40 ngày bị ma quỉ cám dỗ” (Lc 4:1-2).
Hoang địa hay sa mạc thường rất khô cằn, sỏi đá. Nơi có rắn rết và bọ cạp, nhưng nhiều nhất là cát đá. Đó là sa mạc trong trí tưởng tượng, qua sách vở, tại vùng trung Đông này muốn biết sa mạc thật, hoang địa thật phải đến vùng đồi núi, cát và gió như Wandi Rhrum ở Jordan, như Sinai ở Ai Cập, hoặc ngay những vùng hoang dã của Biển Chết mới biết được sa mạc, hoang địa mà Thánh Kinh đã nhắc đến như thế nào. Nóng, gió ban ngày, lạnh buốt ban đêm. Tuy vậy, Chúa Giêsu đã chọn nơi hoang vu, cô quạnh làm nơi chay tịnh, làm nơi để đối diện với những cám dỗ, làm nơi cầu nguyện. Phải chăng cái thinh lặng, cái bao la, và cái khắc nghiệt của hoang địa, của sa mạc dễ làm cho con người đối diện với cái mong manh, yếu đuối để nhìn về Đấng Tạo Hóa.
Trên đường đi tới Núi Cám Dỗ chiều hôm đó, chúng tôi đã không đủ sức để leo lên đỉnh núi, mà chỉ đứng xa xa nhìn về toàn cảnh vùng đồi núi vao vút, và sỏi đá. Không quá hoang sơ như thời Chúa, ngày nay trên núi đó, du khách còn được thăm viếng ngôi thánh đường và tu viện do các tu sĩ dòng Phanxicô đảm trách. Nhiều người thắc mắc là làm sao từ sông Jordan, Chúa Giêsu đã đến nơi này để chay tịnh, cầu nguyện, và chuẩn bị cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài. Con đường dài, gập ghềnh, khó đi. Một vài người đã nói đùa rằng: “Chắc Chúa phải dùng lạc đà thời đó hoặc xe hơi, hay trực thăng thời nay mới lên nổi.
Ngắm nhìn Núi Cám Dỗ, và đọc lại đoạn Phúc Âm khi ma quỉ cám dỗ Ngài sau thời gian chay tịnh, tôi nhận ra điều mà chính Ngài sau này đã nói khi trừ quỉ cho một trường hợp các môn đệ Ngài không trừ được. Ngài nói: “Quỉ này không ăn chay và cầu nguyện không trừ được” (Mt 17:21). Ngài đã trải qua những cám dỗ về con người tự nhiên, về lòng tham lam của cải, quyền lực, và vinh quang trần thế, cũng như sự kiêu ngạo muốn cho mình là xứng ngang hàng với Thiên Chúa (x. Mt 4:1-11).
Không biết bao nhiêu khách hành hương khi ngắm Núi Cám Dỗ hoặc khi leo lên ngọn núi này đã nhớ đến Chúa và cầu xin Ngài ban ơn để “xa chước cám dỗ” như Ngài đã dạy trong Kinh Lạy Cha, hay chỉ đến đó thăm viếng một nơi chốn mang tính lịch sử. Cám dỗ là một thực tại trong đời sống của con người. Và con người không thể tự mình thắng nổi những cám dỗ nếu không nhờ vào sức mạnh và sự can thiệp của Thiên Chúa. Có ai trong mỗi khi bị cám dỗ đã mau mắn chạy đến với Chúa bằng lời cầu xin tha thiết: “Lạy Chúa xin nâng đỡ con vì con yếu đuối”.
(Còn tiếp)
Views: 0