SỐNG TIN MỪNG

Anh em là bạn hữu Thầy

Trần Mỹ Duyệt

Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15: 9-17)

“Anh em là bạn hữu của Thầy” (Gioan 15:14). Chúng ta phần đông từ xưa vẫn được dậy rằng: “loài người được Thiên Chúa dựng nên để phụng sự Ngài.” Trong khi đó, Tin Mừng lại quả quyết: chúng ta là bạn hữu và là anh em với Chúa, và dĩ nhiên, là anh em với nhau. Chính Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa” . Và Ngài đã giải thích lý do: “Vì tôi tớ không biết việc chủ làm.” (Gioan 15:15)

Vậy Chúa làm gì cho chúng ta, và Ngài muốn chúng ta làm gì cho nhau?  Lời Chúa tâm sự với các môn đệ trước lúc Ngài giã từ họ, để ra đi chấp nhận thương đau và cái chết. Tâm sự của Ngài là muốn cho chúng ta hiểu rằng Ngài yêu thương tất cả, và yêu thương cho đến chết. Đồng thời Ngài cũng muốn mọi người chúng ta “Hãy thương yêu nhau!(Gioan 13:34), bằng một mối tình “Như Thầy vẫn yêu anh em”. (Gioan 15: 12) Điểm chính yếu của mối tình này bao gồm những lời lẽ thâm sâu cứu độ, khiến Chúa nhập cuộc với con người. Ý nghĩa của Tình Thương Yêu Ngài tỏ lộ vào ngày cuối ở thế trần. Đó là tất cả những gì Ngài đã làm và muốn các bạn hữu biết.

Thánh Kinh ghi nhận, vào những ngày cuối cuộc đời, Chúa Gêsu biết rõ các kinh sư, thượng tế, đầu mục, Pharisiêu ở Giêrusalem đang mưu toan, rình rập kể cả mua chuộc Giuđa toan tính để triệt hạ Ngài. Thế nên, Ngài đã lui về vùng đất phía bên kia Giođan, nơi đó vượt tầm kiểm soát của giới chức đầy quyền lực đạo đời, họ đang sẵn sàng kết án và đóng đinh Ngài. Hẳn là Chúa chỉ tạm thời làm vậy trong lúc tình hình căng thẳng, nhưng không ngờ Ngài nhận được tin người bạn thân Lazarô ốm nặng, chắc khó sống từ hai bà chị: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đang bệnh”. (Gioan 11:3)

Làng Bêtania, tức cửa ngõ dẫn vào thành thánh Giêrusalem. Chúa Giêsu biết rõ tình hình nguy hiểm lúc ấy, nếu Ngài đến thăm Lazarô, có thể Ngài sẽ bị giới chức cầm quyền gài bẫy bắt rồi lên án chết, nên Ngài đành chờ thêm hai ngày nữa để tìm hiểu tình thế, vì Ngài không muốn   mạng sống Ngài và của môn đệ bị liên lụy! Nhưng rồi Ngài đã nhất định ra đi. Ngài sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì tình bạn. “A friend in need is a friend indead”. Lazarô đang cần mình, chị em Máttha và Maria đang cần mình như họ đã hờn mát Chúa sau này: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết” (Gioan 11:21). Đã là bạn hữu thì sống chết có nhau, điều mà chính Ngài đã nói: “Không có tình mến thương nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu.”(Gioan 15: 13), vì chỉ có thế Ngài mới có thể nói với các môn đệ mình: “Hãy yêu mến nhau, như Thầy vẫn yêu thương anh em.” (Gioan 14:34) Nói một cách rõ hơn, Ngài muốn nói với họ: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã mến thương Lazarô như thế đó!”

 Như vậy, chuyến đi thăm Lazarô ngoài việc chứng tỏ tình bạn cao cả, Chúa Giêsu còn chứng tỏ quyết tâm của Ngài trước cái chết mà người ta đang toan tính áp đặt lên Ngài. Nhưng Chúa Giêsu không là loại người tìm đến cái chết để chứng tỏ mình cao cả. Đó cũng không phải là hành động tự kết liễu cuộc đời. Ngài không là vị anh hùng “kamikaze” cuồng tín…  Trái lại, nơi Ngài lại có sự cao cả của một người dám hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu. Là, cho đi con người mình vì lòng mến thương rất độ lượng. Với Ngài, có nhiều thứ còn cao cả hơn là chỉ đơn giản sống cho mình. Và hy sinh cho tình bạn là một trong những nét cao cả đó.

“Thầy đã không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn” (Gioan 15: 15). Đây là một đặc ân Chúa đành cho con người, những kẻ mà Ngài đã dám hy sinh chịu chết để cứu chuộc lấy. Nhưng để được làm bạn hữu Chúa thì sao? Chắc chắn cũng phải như Chúa là thương anh em mình. Mà không phải là thương qua loa, thương có lệ, nhưng là thương như Ngài đã thương. Thương đến độ dám liều mạng sống của mình vì anh em. Nhưng để thể hiện tình thương ấy, chúng ta cũng phải hy sinh những sở thích cá nhân, hy sinh con người tự ái và ích kỷ, hy sinh của cải, hy sinh thời giờ, hy sinh sức khỏe, và hy sinh tiền của vì nhau, vì bạn hữu. Tình bằng hữu luôn luôn bao gồm lòng mến cao cả và niềm vui lẫn hy sinh đau trong đó. Chúng ta không thể nói mến Chúa, yêu anh em mà quên không nói đến thập giá và hy sinh.

Theo Lm. Kevin O’Shea, Dòng Chúa Cứu Thế, thì lòng yêu mến tựa như lửa ngọn. Lửa này vừa sưởi ấm tình người, vừa thắp sáng khắp nơi. Nó đốt cháy và thanh luyện để đưa vào sự sáng. Trong tình mến ấy, có một thứ lý lẽ rất hợp lẽ đạo nhưng không dựa trên lý trí, không tính toán.

Thiên Chúa đối xử với ta như người “Bạn”, rất hiền từ. Tình thương của Ngài không do định luật nào, không do bộ óc con người suy diễn để định ước, hoặc ràng buộc. Nó đem lại cho ta nhiều nghị lực. Và, khi Thiên Chúa can thiệp mọi chuyện vì ta, điều đó không có nghĩa là Ngài đến từ bên ngoài vũ trụ, nhưng, Ngài đến để chứng tỏ rằng: Ngài muốn thiết lập tình bè bạn rất đích thực. Và, để lưu lại mãi mãi nơi ta, Thiên Chúa đã tự cho đi chính Mình Ngài. Và, Chúa Giêsu cũng mặc lấy nơi Ngài tình thương yêu ấy mà Ngài gọi đó là Tình Bạn. Đó là ý nghĩa câu Ngài nói: “Thiên hạ cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con thương yêu nhau.”(Gioan 13:35)

 “Hãy thương mến nhau bằng tất cả sự nhiệt thành và lòng cảm mến!” Chúng ta có quyền lựa chọn cho đi chính mình cho bạn hữu như Đức Giêsu đã làm, như Thiên Chúa là Cha từng làm và sẽ còn làm mãi mãi, không nguôi. Đó là chọn lựa của mỗi người chúng ta nếu muốn trở thành người của Chúa đích thực. Và đó cũng là lệnh truyền Chúa Giêsu gửi đến cho mỗi người chúng ta. Vì chỉ có như thế, chúng ta mới là Bạn Hữu của Ngài.

(Tổng hợp theo Lm. Kevin O’Shea, CSsR do Mai Tá lược dịch)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.