Tiểu Sang
Gió bấc hiu hiu về, lòng bổi hổi bồi hồi nhớ tết xưa. Thuở nhỏ, hễ thấy tiết trời se se lạnh là lại trông mau đến tết. Tết vui lắm!
Nào là bánh mứt, chè xôi, quần áo mới và phong bao lì xì đỏ thật thích. Những ngày này, con nít được thỏa thích tung tăng, đi chơi hết nhà này sang nhà nọ và không bao giờ bị la rầy. Nhà nào cũng mong tràn ngập tiếng cười vui, vì đó là dự báo may mắn đầu năm. Mở hàng thuận lợi thì “đầu xuôi đuôi lọt” nên chẳng ai muốn nhìn thấy cảnh con nít khóc lóc và chuyện vãn không hay trong nhà. Được thế, con nít lại ra oai lắm trò… Chớ con nít nào hiểu ba mẹ chúng rầu lo từ hơn cả tháng trước tết. Lo nào là chuyện thu hoạch mùa màng để kịp tết, lo chuyện tiền nong, chuyện lễ tết… Đủ thứ nỗi niềm khiến ba mẹ trằn trọc không yên giấc. Bởi mẹ thường vắt tay lên trán lẩm nhẩm “được như con nít thì sướng biết mấy. Chỉ cần đặt lưng xuống giường là ngủ khò”.
Chợt nhớ đến những cái tết “xoàng xoàng” của gia đình và ngẫm nghĩ hoàn cảnh nào con nít cũng có thể sống vui. Quần áo tết, nó chỉ vỏn vẹn được hai bộ đồ thun, mẹ nhờ người bà con may rồi trả công bằng mấy lon gạo. Nó thấy mẹ cứ ngấm nghía bộ đồ nên nó gật đầu đồng ý ngay khi mẹ bảo “con đừng làm dơ bẩn đồ nghe, qua tết cất vô tủ để dành”. Nó thấy bạn bè thường để dành tiền nuôi heo đất, còn nó mỗi bữa đi học đều thức sớm ăn cơm chiên, cơm nguội, chả có xu nào dính túi thì lấy đâu mà để dành. Nó chỉ chuyên để dành quần áo thôi. Ai mà nhớ tết năm ngoái mình mặc gì, thế là niềm vui gói gọn từ tết này sang tết kia. Miễn khi nào mặc chật không thở nổi nó mới “thanh lý” số quần áo của mình.
Hầu như ngày nào nó cũng lẽo đẽo theo sau người lớn để hỏi “tới tết chưa?” Đối với nó, tết nghĩa là vui. Vui như tết. Chỉ cần nghe tiếng đoàn lân địa phương tập tành ì ầm là lòng nó rộn ràng hân hoan quá đỗi. Nó có thói quen tính tết bắt đầu từ ngày mẹ nó cúng đưa ông táo về trời. Chỉ là dĩa bánh tây nhỏ nhỏ và bình trà bông sen thôi nhưng nó thấy ngon hết biết. Nó thấy tết đến thật gần khi ba bắt đầu nhặt lá cho cây mai nhỏ bên hiên nhà. Mẹ phơi lá chuối hột xếp lớp cho “héo dẻo” để chuẩn bị gói bánh tét. Hổng hiểu sao mẹ thích được đi chợ tết lắm. Nó cũng vậy. Nó thích ngồi sau xe đạp, vòng tay ôm mẹ thật chặt. Có những đoạn đường dốc, nó đòi chạy bộ đẩy xe tiếp mẹ. Mẹ lắc đầu, hai mẹ con hì hục dẫn xe trên những đoạn đường dốc. Bận quay về thả dốc coi bộ khỏe hơn, nhưng phải tập trung cao độ vì thắng xe không xi nhê gì hết, mẹ phải lấy đôi dép rà rà vô bánh xe để giữ tốc độ lao dốc vừa phải. Nó nhìn mớ thịt heo, dưa cải, bông vạn thọ, mứt thèo lèo treo lủ khủ trước cổ xe của mẹ mà ao ước giá như ngày nào cũng là ngày tết!
Thường thường mẹ gói bánh vào đêm 26-27 tết. Những cái tết lúc còn bé, vì trời lạnh nên nó rúc vào mền mà nói vọng ra “mẹ nhớ gói đòn bánh tét tí hon cho con, để sáng mai con khoe với nhỏ H”. Đến khi không còn khoe khoang này nọ nữa thì cũng là lúc nó bắt đầu khám phá và học hỏi từ khâu lau lá, xấp lá, chuốt dây (từ cọng chuối), giống và nứt bánh. Rồi đến khi nó biết gói một đòn bánh trọn vẹn thì nó đã xây tổ ấm nơi thị thành. Thế là những bận gói bánh thiếu tới hai tay nứt bánh chuyên nghiệp đó là ông nội và nó. Ông nội đã không còn trên cõi đời này nữa. Ngày trước, ông là người canh lửa cho nồi bánh tuyệt vời nhất. Ông cứ quanh quẩn chụm củi, quạt lửa rồi châm nước, trở bánh cho bánh chín thật đều. Kể cũng khâm phục sự nhẫn nại của ông. Từ tối đêm trước, ông đã lục đục ngồi nạo dừa. Cái bàn nạo cũ kĩ, đã ri rỉ sét cứ trầy trật, ông phải gắng sức cố định nó lại bằng cái chân hay tê cứng của mình. Trời còn khuya lơ khuya lắc, ông đã giục mẹ dậy gói bánh. Cả nhà chui vô cái mùng to, đội quân đợi giống và nứt bánh cứ chăm chú nhìn người phụ nữ đảm đang nhất nhà vò nhưn, múc từng chén nếp thơm, từng nhúm đậu sống, khéo léo làm ra những đòn bánh đồng thanh đồng thủ, vuông vắn bắt mắt lạ thường. Ba thì hì hục đốt đống vỏ dừa khô. Khói bay tới đâu là muỗi ruồi ngạt thở trốn mất tới đó. Đống lửa nghi ngút như thêm sưởi ấm cho cái tết đầm ấm, đoàn viên của gia đình…
Sau một ngày được hấp trên lửa hồng, những đòn bánh nóng hổi được mẹ vớt ra đặt lên quang gióng, đòn bánh đầu tiên mẹ để dành cúng gia tiên, một mớ mẹ treo lên giàn, còn lại một mớ mẹ cho vào giỏ cộ bị chắc chắn rồi kêu nó xách đi phân phát cho bà con họ hàng.
Tết quê ngày ấy ngọt như nhưn bánh tét… Nhớ!
***
Thời gian cứ cuốn mình đi, đi mãi, có lúc chẳng kịp dừng chân để ngoái nhìn lại đằng sau ta là gì nữa. Mới ngày nào nó vẫn cứ đinh ninh rằng chẳng có gì thay đổi lớn lao đâu, vậy mà… Nhìn những đòn bánh tét được bày bán ở chợ mà trong lòng nhớ về quê nhà không thể tả. Nhớ đến mùi bánh, nhớ không khí tết, nhớ tiếng gọi nhau í ới, rồi cùng nhau ngồi chờ nồi bánh chín. Đi xa rồi thì những hình ảnh đó không thể nào phai nhạt được trong tim nó.
Ngày trở về lại nơi chôn nhau cắt rốn, vẫn hao hao cảnh cũ nhưng hình như vẫn không thể giấu nổi sự khang khác nơi đáy mắt nó. Ngôi nhà chữ đinh ngày nào vẫn thấp lè tè, lọt thỏm bởi hai bên là những ngôi biệt thự sang trọng, uy nghiêm bởi sự kính cổng cao tường. Còn đó cây me vẫn áng ngữ nơi sân nhà nhưng nay thân đã xù xì, trơ trọi vì thiếu cành lá. Mấy lần định đốn bỏ rồi lại thôi, ba bảo là cây kỷ niệm của ông nội trồng. Còn đó bụi chuối hột mơn mởn lá non xanh, với mấy quày chuối già nằng nặng trái. Mẹ không gói bánh tét ngày tết nữa. Nhà đơn chiếc lắm rồi… Mẹ đau yếu nhiều rồi… Nó nhìn chiếc xe đạp cũ kĩ ngày nào mẹ chở nó đi chợ tết nằm xiêu vẹo trong xó nhà mà ngậm ngùi…
Tết xưa nhạt dần theo năm tháng thoi đưa…
Tiểu Sang – DH7C
Views: 0