Trần Mỹ Duyệt
Giáng Sinh năm thứ 10 là một Giáng Sinh ghi đậm dấu ấn kỷ niệm nhất trong đời của nó. Lý do rất đơn giản là vì đây là một lễ Giáng Sinh mà lần đầu tiên nó được thấy cây Noel rực rỡ trong ánh sáng, lung linh với sắc mầu của hàng ngàn bóng đèn to nhỏ lấp lánh như những vì sao. Trên đỉnh cây là một thiên thần, dưới gốc của nó là hàng trăm gói quà to nhỏ được gói cẩn thận dành cho những trẻ em con của quân nhân trong đó có nó. Và bên cây Noel là một hang đá được trang hoàng một cách giản dị, bên trong có Chúa Hài Nhi thơ bé nằm trong máng cỏ, cùng với Mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng, chiên bò quanh nhau thờ lạy. Tiếng hát của ca đoàn đã thay thế tiếng hát các thiên thần đưa nó vào vùng trời Belem thần thánh. Cái không khí Giáng Sinh ấy mãi mãi ngủ yên trong vùng trời ký ức của nó, để rồi mỗi độ Giáng Sinh về, lại sống lại như một kỷ niệm của thời thơ ấu.
Thời đó, nó theo thầy mẹ bỏ Bắc di cư vào Nam tránh Cộng Sản. Để tỏ lòng với non sông, đất nước, thầy nó, chú nó và hầu hết những anh em trong làng thầy nó đều gia nhập quân ngũ. Và lần đầu nó được thấy cái tàu há mồm ở Hải Phòng, cái tàu đã chở đoàn người di cư vào Nam. Dong duổi theo mệnh nước nổi trôi, tiểu đoàn của thầy nó được lệnh đóng ở Đà Nẵng với mục đích bảo vệ phi trường Đà Nẵng. Lễ Nửa Đêm năm 1954, vì thế đã được cử hành trong một nhà chứa tàu bay ở phi trường. Sau này thầy nó giải ngũ đưa gia đình tìm nơi lập nghiệp. Những lễ Nửa Đêm sau đó tùy vào những nơi mà gia đình nó đã sinh sống, những lễ Nửa Đêm trên vùng trời Tây Nguyên như tại Mỹ Thạch, Pleiku, bên dòng sông chảy về ngã bảy Phụng Hiệp tại trại định cư Lương Diệm, cạnh chiến khu D tại Dinh Điền I, tỉnh Phước Thành, và còn nữa, nhiều lễ Nửa Đêm cho đến lần đầu nó được đi lễ Nửa Đêm tại Carthage, Missouri sau khi đã bỏ nước một lần nữa trốn thoát Cộng Sản vào tháng Tư năm 1975. Cũng chỉ tại Hoa Kỳ mà nó đã cảm nghiệm được thế nào là cái lạnh giá, tuyết sương của vùng trời Belem trong đêm Giáng Sinh. Nó mới hiểu được lời ca Hang Be Lem của Hải Linh: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời! Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa”.
Nhưng Lễ Giáng Sinh ghi lại dấu ấn nhất trong đời đối với nó vẫn là lễ Giáng Sinh năm 1954 tại phi trường Đà Nẵng. Vì ở đó cái tuổi thơ của nó được cảm thấy, được đón nhận, và được tận hưởng thế nào là một thế giới thần tiên của những tâm hồn trong sáng.
Thế giới tuổi thơ, thời gian tuổi thơ và những kỷ niệm của tuổi thơ đối với nó như một khoảnh khắc hạnh phúc nhất, thanh bình nhất, linh thiêng nhất, và cũng dễ bị vỡ vụn nhất. Đó cũng là lý do tại sao sau này suốt trong quá trình nghề nghiệp, trong quá trình giao tiếp với các bậc phụ huynh, trong những lần hội hè, và thảo luận, nó luôn đề cao đến tuổi thơ và mong mỏi các bậc làm cha mẹ, các bậc phụ huynh và những ai có trách nhiệm với tuổi thơ hãy dành cho tuổi thơ những kỷ niệm ngọt ngào, khó quên, ngược lại đừng vùi dập, đừng hành hạ, và đừng quên lãng tuổi thơ.
Tại sao các em không vui? Tại sao các em muốn bỏ nhà đi hoang? Tại sao các em rơi vào những cạm bẫy của xã hội? Và tại sao các em lại trở thành những người vô gia cư, tù tội, và trăm ngàn những tội lỗi sau này? Cứ mỗi lần nhìn thấy một người vô gia cư đứng tại các ngã ba, ngã tư đường xin ăn dưới sức nóng như nung đốt, với những cơn gió như muốn cuốn hút lấy họ, hoặc trong những ngày lạnh giá mà những người ngồi trong xe xem như cũng ngại không muốn thò đầu ra để đặt vào tay họ vài đồng lẻ. Hoặc ngay cả những em vị thành niên bị lao tù mỗi khi có dịp nghe nói đến tiếng cha, tiếng mẹ, tiếng anh em, thì lại có những giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt.
Hôm nay Giáng Sinh lại về, nó đã không còn trẻ nữa. Nó cũng không còn nao nức với những ước mơ của thời xuân trẻ, nhưng nó thấy các em nhỏ theo cha mẹ tới thánh đường, những hình ảnh đó lại đánh thức vùng trời ký ức của nó. Nó thấy như Hài Đồng Giêsu đang nhoẻn miệng cười với tất cả các em, cả Mẹ Maria và Thánh Giuse cũng như rất vui khi thấy các em vây quanh hang đá. Các em có khác gì những mục đồng, những thiên sứ, những chiên bò có mặt trong hang Belem trong đêm thánh linh thiêng hôm đó.
Trong những xôn xao của muôn tinh tú, giữa những ánh sáng ngập trời, những món quà được gói kỹ lưỡng và nghệ thuật, trong những áo quần lụa là, kiểu cọ, và trong những tiếng nhạc Giáng Sinh đang như phủ kín không gian, tự nhiên nó lại nghĩ đến kỷ niệm tuổi thơ của nó, nghĩ đến những đứa trẻ. Những đứa trẻ bị cha mẹ giết chết trong bào thai, những đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, trước cổng nhà thờ, trước những cô nhi viện. Những đứa trẻ may mắn được sống sót nhưng lại bị cha mẹ trù dập, bỏ rơi, quên lãng vì hai chữ bận rộn. Những đứa trẻ vì thiếu thốn tình thương mà rơi vào những tệ nạn xã hội. Và chúng ở ngoài kia giờ này có đứa đã khôn lớn đang lang thang đầu đường xó chợ, bơ vơ giữa dòng đời đen bạc, có đứa phải vào những viện tâm thần, hoặc phải lao tù. Bỗng nhiên, nó thấy hình như có những giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt của Hài Nhi Giêsu.
Nó đã hỏi Chúa Hài Đồng: “Chúa Hài Đồng ơi! Chúa có nghe xôn xao muôn tinh tú, nghe tiếng hát du dương của ca đoàn? Chúa có thấy hang đá đẹp trang hoàng lộng lẫy? Và Chúa có thấy đoàn người đông đảo đang vây quanh Chúa không? Hãy mỉm một nụ cười đi Giêsu bé thơ ?”
Và nó nghe được tiếng thì thầm phát ra từ hang đá:
“Nụ cười của Ta chưa trọn vẹn. Vì đến với Ta đêm nay không chỉ có các mục đồng, ba vua, mà còn có lời nhắn dã tâm của Hêrôđê nữa”!
Noel 2018
Views: 0