SỐNG TIN MỪNG

Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi

 

 Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. 

24 “Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. 28 “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra .31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. 32 “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.( Mc13, 24-32)

Chúng ta chưa bao giờ quen thuộc với loại bài giảng như thế này của thánh sử Mác-cô! Bỗng nhiên thể văn của ngài, giống như một tác phẩm văn chương – rất thịnh hành trong thời điểm của ngài, nhưng xa lạ đối với tâm lý chúng ta ngày nay.

Cũng phải nhớ rằng những thế kỷ trước Công Nguyên là hiện trường của một thời muôn hoa trí thức đua nở, chẳng những ở Pa-lét-tin mà còn ở Ai-Cập, Hy-Lạp và Mê-sô-pô-la-mi-a.

Thể loại văn chương bói toán (văn chương linh cảm) rất được yêu chuộng. Trong mọi nền văn minh, mọi tôn giáo, các vấn đề khắp nơi và trong mọi thời đại, đều như nhau:

Ai sẽ có tiếng nói cuối cùng ?

Nhân loại thế nào rồi cũng đi đến diệt vong?

Hay là Sự Lành sẽ chiến thắng?

Tận thế sẽ như thế nào?

Dần dần, một thể văn được nảy sinh trong khắp miền Trung Đông để đề cập đến những đề tài ấy. Khắp mọi nơi đều có những hình ảnh tương tự: Tinh tú xáo trộn, hết nhật thực rồi đến nguyệt thực, những nhân vật thần thánh, thiên thần, ma quỷ.

Điều thú vị cho chúng ta thấy những tín hữu – Do Thái rồi đến Kitô hữu – mượn những hình thức của thể văn thời ấy để chuyển tải chính sứ điệp của họ, là sự mặc khải của Thiên Chúa.

Cũng vì thế, trong Thánh Kinh, thể văn ấy được gọi là «khải huyền» Thiên Chúa, tiếng Pháp là «révélation» do động từ Hy-lạp «apocaluptein» có nghĩa là «vén một gốc màn lên, mặc khải». Loại ngôn ngữ ấy, đối với chúng ta khá xa lạ, nhưng thời Chúa Giê-su là một thể văn trong sáng đối với mọi người.  Đó là một ngôn ngữ được mã hoá : Bề mặt vấn đề là mặt trời, tinh tú, mặt trăng và tất cả sẽ bị xáo trộn; nhưng thật ra ý nghĩa khác hẳn!

Đó là sự chiến thắng của Thiên Chúa và con cái Ngài trong cuộc đấu tranh mãnh liệt chống lại sự dữ từ nguyên thủy.

Đây là một tính đặc thù của đức tin Ki-tô hữu giữ luật Do-Thái. Nếu dùng chữ «Khải-huyền» trong nghĩa khủng khiếp là một phản nghĩa: Trong ngôn ngữ của đức tin Do Thái hay Ki-tô là trái ngược lại!

Sự mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa không nhằm làm cho con người kinh sợ, nhưng trái lại để cho họ tiếp cận những xáo trộn của Lịch sử như để vén một góc màn, để hy vọng.

Mỗi lần các Ngôn Sứ của Cựu Ước muốn loan báo Ngày Trọng Đại của Đức Chúa, sự chiến thắng vĩnh viễn chống lại mọi thế lực của sự dữ, chúng ta đều nghe một loại ngôn ngữ này, thấy một thứ hình ảnh.

Ví dụ như ngôn sứ Giô-en: « 10 Trước mặt chúng, đất run rẩy, trời chuyển rung. Mặt trời mặt trăng tối sầm lại, tinh tú không còn chiếu sáng nữa.
11 Tiếng ĐỨC CHÚA đã vang lên trước đạo binh của Người, vì binh đội của Người rất đông đảo, kẻ thi hành lời Người thật hùng mạnh, và Ngày của ĐỨC CHÚA thật lớn lao và rất đáng sợ! Nào ai chịu nổi? 
(Ge 2, 10-11)

Hay cũng như thế này: (Ge 3, 1-5)  « Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. (3:2) Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ.  (3:3) Ở dưới đất cũng như trên trời, Ta sẽ cho xuất hiện nhiều điềm lạ là máu, lửa và cột khói. (3:4) Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA xuất hiện, Ngày vĩ đại, kinh hoàng.  (3:5) Bấy giờ, hết những ai kêu cầu danh ĐỨC CHÚA sẽ được ơn cứu độ, vì trên núi Xi-on và tại Giê-ru-sa-lem sẽ có những người được thoát nạn như lời ĐỨC CHÚA đã phán. Và sẽ có những người được ĐỨC CHÚA kêu gọi trong số những kẻ còn sống sót. »

Trong (4, 15-16):

«15 Mặt trời mặt trăng mờ tối đi, các vì sao chẳng còn chiếu sáng. 16 Từ Xi-on ĐỨC CHÚA gầm lên, từ Giê-ru-sa-lem tiếng Người vang dội, trời và đất chuyển rung. Nhưng ĐỨC CHÚA là nơi cho dân Người nương náu, là nơi trú ẩn cho con cái Ít-ra-en »

Tất cả những bài này có một điểm chung: Tác giả viết ra không để làm sợ hãi, trái lại sự chiến thắng của Thiên Chúa tình yêu được loan báo. Sự xáo trộn của tinh tú được miêu tả dồi dào chỉ là một hình ảnh của những tình cảnh được hoàn toàn đảo ngược.

Sứ điệp chính là Thiên Chúa có tiếng nói cuối cùng.

Sự dữ sẽ bị huỷ diệt vĩnh viễn.

Ví dụ như I-sa-i-a cũng dùng những hình ảnh ấy để tả ngày phán xét của Thiên Chúa : « 10 Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn toả sáng » (Is 13, 10);

Cũng chính I-sa-i-a loan báo sự cứu độ cho con cái Thiên Chúa, trong vài câu trước đó : « 1 Ngày đó, bạn sẽ nói: Lạy ĐỨC CHÚA, con dâng lời cảm tạ: Ngài đã từng thịnh nộ với con, nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Ngài lại ban niềm an ủi. 2Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì ĐỨC CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi ». (12, 1-2)

Và chúng ta cũng nghe tiên tri Giô-en :

«  Bấy giờ, hết những ai kêu cầu danh ĐỨC CHÚA sẽ được ơn cứu độ, …sẽ có những người được thoát nạn như lời ĐỨC CHÚA đã phán. (Ge 3, 32).

Trong thể văn huyền bí – do theo quy ước – việc tuyên xưng đức tin, Chúa là chủ nhân của lịch sử và một ngày kia sự dữ sẽ biến mất. Không nên nói «tận thế» mà là «thế giới chuyển hoá», «thế giới đổi mới».

Khi Tân Ước đến, thỉnh thoảng cũng dùng thể văn huyền bí – ví dụ như Tin Mừng theo thánh Mác-cô Chúa nhật hôm nay, sứ điệp cốt yếu của đức tin vẫn là như thế, tuy nhiên có một điều được xác định, là tiếng nói sau cùng, sự chiến thắng Thần Dữ là ngay bây giờ, nơi Chúa Giê-su Kitô.

Không ngạc nhiên gì, vài ngày sau Lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, Ngài dùng đến cách nói này, những hình ảnh này : Cuộc chiến giữa những thế lực của Thần Dữ và Chúa Ki-tô đạt tới cao điểm và trong bài này, nếu chúng ta hiểu những ẩn ý, chúng ta sẽ nhận ra câu nói tương đương của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Gio-an: « can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian » (Ga 16, 33b).

Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Khổng Nhuận

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.