SỐNG TIN MỪNG

Tự nguyện dâng hiến của Chúa Giê-su thể hiện tình yêu Chúa Cha

 

 Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích thư gởi cho tín hữu Do thái

 .23 Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó.

24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.

25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.

26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.

27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.

28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời (Dt7, 23-28)

Thư gửi cho tín hữu Do-thái thường làm cho chúng ta bị đánh lạc hướng. Có lẽ tác giả là một người Do-thái trở lại đạo Ki-tô, viết cho những tín hữu gốc Do-thái được hoán cải, vì vậy thể văn dù rất quen thuộc đối với người Do-thái nhưng có thể làm cho chúng ta hết sức ngạc nhiên.

Đặc biệt có nhiều phản đề, nhưng thực ra chỉ có một mà thôi: sự khác biệt giữa Giao Ước Thứ Nhất và Tân Ước.

Trong bài đọc chúa nhật hôm nay, sự khác biệt ấy không được nêu ra rõ ràng, nhưng nó thoáng qua từng mỗi dòng.

Trong quá khứ, thời Giao Ước Thứ Nhất, «có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó.» (c23); những tư tế là «những con người vốn mỏng giòn yếu đuối,» (c28); vì họ là người tội lỗi nên «mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân» (c27)

Những câu khác lại nói lên vế kia của phản đề:

những tư tế của Giao Ước Thứ Nhất là phàm nhân đều phải chết, còn Chúa Giê-su «Người hằng sống muôn đời» (c24);

chức tư tế của họ chỉ tạm thời, còn «tư tế của Người tồn tại mãi mãi» (24).

Thật vậy, họ phải bị «chia cách» với những người khác, do nghi thức dâng lễ, nhưng họ là người tội lỗi; còn Ngài là «một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân» (c26); họ đầy những yếu đuối, Ngài thì toàn năng: «Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người» (c25); họ thì được «Luật Mô-sê (thì) đặt làm thượng tế» (c28), còn Ngài được chính Chúa Cha chọn làm Con (c28).

Từ Giao Ước Thứ Nhất, còn dang dở, chưa vẹn toàn, Chúa Giê-su đưa các tín hữu sang Giao Ước Mới, vẹn toàn, hoàn tất.

Chữ «hoàn tất» không được viết rõ ra trong mấy dòng này, nhưng đề tài luôn luôn hiện diện trong toàn bài; chỉ cần lưu ý sự phong phú của các từ ngữ như «hằng sống muôn đời»; «tồn tại mãi mãi» (c24); «cho đến muôn đời» (c28).

Chính xác như tiên tri Giê-rê-mi-a loan báo «Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA» (Gr31, 31-32).

Nhân dịp này chúng ta lưu ý, tác giả gợi lại những đề tài chủ yếu của đức tin Ki-tô: Sự Phục Sinh và Bí tích Thánh Thể:

«Còn Đức Giê-su, … Người hằng sống muôn đời» (c24.25) đó là sự Phục Sinh; còn Bí tích Thánh Thể, bài nhắc đến sự hy sinh của Chúa Giê-su trong câu 27: «Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đ».

Chúng ta nghe vang lên nơi đây những lời của Chúa Ki-tô trong buổi Tiệc Ly: «Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy,  máu đổ ra vì anh em.» (Lc22, 20)

Sau đó, tác giả triển khai rất phong phú về sự hy sinh của Đức Ki-tô (10, 1-10) (xem CN XXXIII TN năm B).

Xin nhắc lại dưới mắt người Ki-tô hữu, tất cả cuộc sống tự nguyện dâng hiến của Chúa Giê-su (chứ không chỉ cái chết của Ngài) để thể hiện cho đến cùng tình yêu Chúa Cha, đó mới là một sự «Hy sinh» [«Hành động thiêng liêng»: theo nghĩa gốc Pháp ngữ của Hy sinh, lời người dịch].

Khi Chúa Giê-su nói câu sau đây trong buổi Tiệc Ly: «này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và Giao Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người để tha tội» (Mt14, 24), các môn đệ không hề nghĩ đến cuộc hiến tế người, họ hiểu «máu đổ ra», có nghĩa là chấp nhận hiến sự sống của mình.

Câu cuối đặt cho chúng ta một nghi vấn: «còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời».

Lời thề ấy là gì?

Đây là một câu ngụ ý tới bài Thánh vịnh 109 (110), một bài hẳn rất quan trọng đối với người Do Thái cũng như đối với Ki-tô hữu; vì vậy nên bài này được nhắc đến nhiều lần trong Tân Ước. Sách Do Thái của chúng ta cũng trở lại nội dung này nhiều lần và trong chương 7 (bài đọc của chúng ta có trích một đọan) bình luận rất dài. Đây là vài câu của bài Thánh vịnh ấy:

 «Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.”

2 Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.

3 Đức Chúa phán bảo rằng: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.”

4 ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”»   

Từ đầu đến cuối chỉ triển khai về Đấng Mê-si-a, vị vua dòng dõi vua Đa-vít.

Ngày sau khi Ngài lên ngôi, Ngài sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa, bởi vì đền Vua nằm phía Nam đền thờ (vì thế bên phải nếu ta quay sang phía Tây) và ngày đó Đấng ấy sẽ nghe mọi lời chúc tụng thành công từ toàn dân dâng lên, ví dụ: «Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.» (Tv109, 2).

Hơn nữa, trên bậc thềm bước lên ngai có khắc những đầu tượng trưng cho kẻ địch: «bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.» (c1).

Cho tới đây chưa có gì mới lạ, chỉ miêu tả một buổi lễ đăng quang. Điều mới lạ nhất nằm trong câu sau đây:

« 4 ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê» (c4)

Thì đây là Đấng Mê-si-a, vua, dòng dõi vua Đa-vít (tức là chi tộc Giu-đa), đồng thời mang danh hiệu Tư tế, điều không thể được nếu tuân theo luật Mô-sê (Các tư tế phải thuộc dòng dõi Lê-vi).

Nhờ vậy chúng ta thấy rõ bài Thánh vịnh này soi sáng những Ki-tô hữu sơ khai, Đấng này dòng dõi chi tộc Giu-đa: đối với họ Chúa Giê-su có hai tước hiệu vừa là vua vừa là tư tế; đó là ý nghĩa của câu:

«ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, …”Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê».

Sáng hôm sau ngày Phục Sinh chúng ta có thể nói với Chúa câu sau của bài Thánh vịnh109: «Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh» (Tv109, 3)                  

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Khổng Nhuận

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.