Lm. Phạm Quang Sáng, OP.
Lc 11,42-46 ; Rm 2,1-11
Luca phân biệt phần khiển trách người Pha-ri-sêu câu 34-44 ; rồi đến phần của các ông thông luật câu 46-52. Còn Mát-thêu dành nguyên đoạn 23 cho các ông Pha-ri-sêu và kinh sư. Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do thái mà lị. Các ôngPha-ri-sêu lại là người lãnh đạo. Họ chuyên viên về luật, là nhóm quan trọng nhất trong đời sống chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ và cũng rất có uy tín đối với dân.
Thầy ơi Thầy à tại sao Thầy nói nặng lời với các ông thế nhỉ ?
Khốn cho… Khốn cho… Người ta quen gọi là 7 lời nguyền rủa chống tội giả hình của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.
Thật ra không có ý là nguyền rủa đâu nhá, nhưng nói lên nỗi đau đớn sâu xa trong lòng, như kiểu đe dọa của các ngôn sứ.
Thầy Giêsu nhìn nhận họ là những người kế thừa ông Môsê; Người dân nghe theo họ, khi họ giảng dạy đạo lý chân truyền của ông Môsê. Nhưng những giải thích cá nhân của họ thì đã hơn một lần Người chỉ trích mạnh mẽ“Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng : ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (15,7-9) ;
“Đức Giê-su bảo các ông : “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc” (Mt 16,6) và nhất là Người căn dặn phải đề phòng lối sống của họ, bởi nó mâu thuẫn với giáo lý họ dạy (PVGK)
Nói người thì cũng cần phải xét lại ta, xét mình xem có sống hình thức bên ngoài không ?
có giả bộ gỉa hình làm những việc đạo đức không ?
Làm được chút có mong người khác phải biết điều không ?
“Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm những điều đó trong khi chính mình cũng làm như vậy, bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao ?”.
Đôi khi được đà, ta cũng vào hùa với Thầy Giêsu kết án các vị Pha-ri-sêu và kinh sư tới bến mà không biết mình cũng đang là những kinh sư và Pha-ri-sêu chính hiệu con nai đồng quê.
Nói gì thì nói, trước sau, trên dưới vẫn cần sự hoán cải : Nhận biết Chúa và nhận biết mình.
“Hay là bạn coi thường lòng Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng,
mà không nhận ra rằng : Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao ?”
Người nhận biết mình là người nhìn vào bên trong thấy mình đủ mọi thứ hằm bà lằng nhưng con người rất ngại đón nhận sự thật ấy, phải can đảm lắm mới ghi ra trên giấy !
Nhận biết mình là con đường gặp gỡ Chúa nhanh nhất, bởi khi biết tất cả sự thật con người của mình thì cũng đồng thời nhận ra khuôn mặt khả ái yêu thương của Chúa.
Người nhận biết mình là người cảm thông với tha nhân với những sai trái của họ.
Người nhận biết mình là người đón nhận tha nhân trọn vẹn con người của họ cả tốt lẫn xấu, chứ không chỉ lựa chọn cái tốt, còn cái xấu thì kết án, mà kết án cái xấu của họ thì thường là kết án cả con người họ, luôn như vậy đấy !
ÔTC
Nguồn https://tramtubensuoi.blogspot.com/2018/10/nhan-biet-minh-la-con-uong-gap-go-chua.html
Views: 0