Văn

Người đàn bà một mình

Hương Lệ Oanh

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.

Hân rời Việt Nam đúng đêm Tết Trung Thu! Rằm tháng 8 năm ấy là một đêm vừa gió lại vừa mưa, mưa như trút nước. Từ khách sạn ở Sài Gòn bước lên taxi để ra sân bay, nàng phải xách giầy lên vì đường ngập tràn nước mưa!

“Đi không nỡ, ở không đành.” Trong lòng nàng ngổn ngang trăm mối lo âu! Phần xót thương mẹ già ở lại, phần lo cho đứa con trai bệnh tật đang ở xứ người!

Chuyến bay cất cánh lúc 23g55’ không một người thân đưa tiễn!

Khi phi cơ gầm thét cất cánh, ngả nghiêng theo từng lớp khí quyển, nàng nhắm mắt lại, trong người như muốn nôn! phá tan dòng suy tư của nàng!

Nàng nhắm nghiền đôi mắt, từng tiếng động cơ máy bay vang lên mồn một, đầu phi cơ ngốc cao lên, phần đuôi hạ thấp, trườn vào không gian. Với nàng đây là chuyến đi xa đầu tiên trong đời!

Nàng trấn an tinh thần khi phi cơ đột ngột vút trời cao, rồi bình phi trên một tầng trời quang đãng. Kéo ô cửa sổ, từ phi cơ nhìn ra ngoài trên tầng mây cao, không còn thấy mưa gió phía dưới. Thật là một không gian tuyệt vời, ánh trăng rằm tròn trịa sáng vằng vặc trong màn đêm xa thẳm, nàng cảm giác như ánh trăng thấu hiểu lòng nàng.

*

Hân là con gái lớn trong nhà. Ngày kết hôn, ngay lúc mới gã chồng, ba mẹ nàng cho của hồi môn là miếng đất kế bên nhà. Người chồng là một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Cưới nhau xong, vợ chồng nàng xây nhà gần bên nhà ba mẹ. Ông chồng chiến binh luôn xa nhà, vợ con phải nương nhờ gần bên ngoại. Vì vậy nên suốt đời nàng chưa rời xa ba me.

Sau ngày miền Nam sụp đổ, ông chồng sĩ quan đi trình diện cải tạo, nàng một mình vừa lo cho mẹ già, vừa lo nuôi 4 đứa con nhỏ, trong số này, có đứa con trai đầu lòng bị bại não.

Khi mang thai con, nàng sanh khó. Lý do là thằng bé trong bụng to quá bác sĩ phải dùng dụng cụ hút đưa bé ra, sau đó bé bị ngộp được bà mụ làm hô hấp nhân tạo cứu sống! Cháu lớn dần cái đầu cứ nghẽo sang một bên, tay chân hay gồng cứng! Độ khoảng hơn 5 tuổi bé mới đi được nhưng dáng đi không chuẩn, bác sĩ chẩn đoán là bé bị bại não!

Như, chồng nàng tù cải tại 10 năm, khi được thả ra, không nghề nghiệp, đời sống khó khăn.

Khi các cựu tù cải tạo được mở hồ sơ đi Mỹ theo diện H.O., mẹ già đang bệnh. Chính Hân quyết định chọn ba đứa con khỏe mạnh đi theo ba, còn đứa lớn, tật bệnh ở lại với nàng, vì nàng cũng sợ nếu để ba mấy đứa nhỏ mang đi cùng lượt sẽ trở ngại cho mọi người khi đến Mỹ. Khi khai hồ sơ đi diện HO chỉ khai lý lịch thôi, Hân và thằng con trai ở lại vì nàng không thể đi khi mẹ nàng ở tuổi già đơn độc mấy đứa em nàng chưa từng chăm sóc mẹ nên nàng không tin tưởng.

Lúc ấy nào ai có hiểu qua Mỹ sống như thế nào. Tính vậy cho yên không phải lo nghĩ nhiều, nàng cũng vui lòng ở lại với con trai vì nàng còn mẹ tuổi già, bà đã ngoài 80, thôi thì cũng ổn.

Thời gian thắm thoát trôi qua hơn 10 năm. Ông chồng, sau khi ly dị, đã có gia đình riêng. Ba đứa con theo bố đi Mỹ cũng đã trưởng thành, có công ăn việc làm và lập gia đình.

Một hôm con gái nàng nhắc ba nó mở hồ sơ lãnh anh trai sang Mỹ vì sợ sau nầy bà ngoại sẽ mất, rồi má phải làm sao?

Ba nó nghe nhắc vội mở hồ sơ bảo lãnh. Chỉ chừng vài tháng sau là có giấy gọi phỏng vấn.

Hân đưa con trai lên thành phố làm mọi thủ tục cũng rất lẹ làng, phần nào cũng trót lọt khám sức khỏe và chích ngừa, con nàng bệnh tật nên được ưu tiên bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đưa sang Mỹ.

Nàng nghe ba mấy đứa nhỏ nói lãnh thằng con bổ sung HO, lúc trước chồng nàng đã khai với phái đoàn từ lá đơn đầu tiên, nên bây giờ họ mở lại xét rất nhanh và được đi chương trình nhân đạo Jose Marcain gì đó nàng không hiểu lắm.

Nàng không rành lắm bên Mỹ thì có ba bọn trẻ lo thủ tục giấy tờ phần lớn có sự hối thúc của các con nàng bên đó.

Còn nàng chưa chịu cho con lãnh đi ngay vì mẹ nàng đã 95 tuổi không đi đứng gì được tuy vậy bà còn minh mẫn, từ trước tới giờ có mỗi mình nàng chăm sóc nên quen ý bà.

Thế rồi thằng con lớn được Bác sĩ đưa tới Mỹ, ba nó ra sân bay đón gặp Bác sĩ ký giấy nhận con theo thủ tục.

Về ở chung với ba và người vợ sau, hình như nó đã quen ở với mẹ ruột nên lúc nào cũng thương và bênh vực mẹ, nhất là bà ngoại. Một hôm ba nó nói:

– Mẹ mầy có hiếu với mụ ngoại mầy nên không cần tao.

Nghe qua nó tức giận, không ăn cơm, giận ba nó mấy ngày sanh bệnh, rồi đòi về ở chung với mấy đứa em gái. Lúc đó vì thương anh trai nên tụi nó đồng ý cho về ở chung chưa hiểu gì về chính sách trợ cấp của chính phủ nên bị cúp hết chỉ còn foodtemt trị giá $200 cho hàng tháng đến bây giờ.

Các em gái vì thương anh bệnh tật cũng đưa về ở chung nhà, cả chục năm nay không có tiền trợ cấp nào cho người tàn tật ngoài foodtemp em gái nó cho ở chung nhà gánh vác hết mọi chi phí sinh hoạt!

Được chưa đầy 1 tháng thì hai đứa em gái cực nhọc quá! Vì chúng có con nhỏ còn phải thuê babysitter đến nhà giữ 2 đứa nhỏ để đi làm mà người đó là người nước ngoài nên đâu giúp gì được cho thằng con của Hân.

Các con nàng đi làm tối về phải lo nấu cơm nước còn phải bới ra cho anh trai ăn nữa! Nấu xong còn phải múc ra từng phần để tủ lạnh cho cả hai buổi sáng chiều! Cũng may là con rể nàng tử tế đồng ý cho vợ nó giúp anh trai nếu không thì chẳng hiểu sẽ phải làm sao nữa! Các con mệt quá không đủ sức khỏe mà làm hết mọi việc, hai đứa nói với Hân:

– Con lãnh má qua Mỹ nhen, bà ngoại còn có cậu dì nữa đâu phải có mình má là con đâu!

Nghe qua nàng cũng xót ruột cho con cái lắm! Suy đi nghĩ lại nàng bằng lòng!

Con bé vội mở hồ sơ chưa đầy ba tháng là có giấy gọi nàng đi phỏng vấn!

Nhanh đến nỗi nàng còn giật mình, đến ngày phỏng vấn trước cổng số 4 đường Lê Duẩn rất đông người trong khi chờ đợi mọi người hay hỏi qua hỏi lại tình trạng người được bảo lãnh đi Mỹ!

Đến lượt Hân vào gặp phái đoàn phỏng vấn ra mặt nàng buồn thiu nhóm người đứng gần hấp tấp hỏi :

– Chị đậu không chị sao buồn vậy?

Nàng gật đầu nói:

– Đậu rồi.

Họ nói:

– Chị cho tôi xem giấy lấy hên coi.

Thì miếng giấy Hân vẫn còn cầm trên tay chưa kịp bỏ vào túi hồ sơ, họ chen sát nàng nhìn mà mừng cho nàng cái điều may mắn nầy.

Xong nàng từ giã mọi người trong nhóm đứng chung, đón taxi chở ra bến xe về tỉnh, tới chiều về tới nhà nhìn thấy mẹ nàng đến gần hỏi han bà, thấy con gái về bà vui mừng cười tủm tỉm!

Nhìn mẹ, nàng thương đứt ruột, tuổi già như trẻ thơ vô tư, không biết rằng sắp xa con gái! Hân sắp xếp gia đình cho vợ chồng thằng út chăm sóc mẹ, mấy đứa em khác có con cháu lo phận nó chưa xong, còn vợ chồng thằng út không có con, Hân làm giấy giao kèo mỗi tháng Hân gởi về $200 để lo cho mẹ nàng, trước khi đi nàng đưa tiền trước và dặn đủ điều lo cho mẹ nàng chu đáo, đồ đạc trong nhà nàng để nguyên cho em nàng tiện nghi sử dụng mà lo cho mẹ.

Con gái biết nàng đậu phỏng vấn vội mua vé máy bay cho nàng.

Vậy là đêm trung thu, Hân một mình ra đi.

*

Sau khi đổi máy bay ở Seoul, Hàn Quốc, chuyến bay đường dài đưa Hân tới thủ đô nước Mỹ.

Khi phi cơ đáp xuống nàng thứ tự lần lượt theo mọi người đến trình giấy, họ chụp hình và lăn tay cho Hân nàng cũng không hiểu họ làm gì! Khi về nhà thì nghe các con nói đi diện con bảo lãnh là được làm thẻ xanh ngay khi vào phi trường, nàng cũng không hiểu cái giá trị của thẻ xanh nên cũng không để ý quan trọng giấy tờ gì hết!

Qua Mỹ, công việc của nàng là ở nhà, giúp con giữ 2 đứa cháu ngoại, vừa lo cho thằng con trai! Hàng tháng, mỗi đứa cho nàng $500 bằng số tiền trả cho người giữ bé. Công việc sắp xếp vậy cũng ổn. Nhưng vào việc cũng không ít khó khăn. Lâu lắm rồi không giữ con nít, khi cho nó ăn và ngủ rất khó dụ, lúc đầu nàng cũng căng thẳng lắm.

Mỗi ngày con gái đi làm chiều tối mới về khoảng hơn 8g tối, mùa hè 8g còn sáng trưng ít lo, tới mùa đông thì 5g đã tối thui nhất là những ngày tuyết rơi nàng cứ nhìn ra cửa trông ngóng con về, như hồi còn nhỏ chờ mẹ đi chợ về thật là buồn thảm!

Nỗi niềm của người mới đến Mỹ thật chưa thích nghi việc gì, nào là nấu cơm, rồi không biết thức ăn để làm sao cho cá thịt không bị hư mỗi lần con gái đi chợ về mua thật nhiều, lúc ấy con gái đi làm về tự nấu nướng nàng chỉ dọn dẹp và trông cháu. Ở xứ Mỹ nhà cửa đâu giống VN cách sinh hoạt cũng vậy, nên nàng còn bối rối về tâm lý kẻ mới xa quê nhất là thức ăn cái gì cũng để tủ lạnh nhất là thịt cá để đông đá nấu nướng xong nàng ăn không vô ở VN ngày nào sáng sớm cũng đi chợ mua thức ăn tươi, qua đây nửa tháng đi chợ châu Á một lần, chợ Mỹ thì gần nhà vài phút lái xe nhưng nàng không ăn được thức ăn của người Mỹ.

Thấy con cái đi làm cực khổ so với VN, trong lòng ngổn ngang nhiều thứ, nhất là lo nghĩ tới má nàng.

Nàng khắc khoải không yên tâm, vì má nàng hay bị lạnh vào ban đêm, lúc còn ở gần má cứ về đêm má nàng hay bị lạnh, mỗi lần nghe tiếng má nàng rên là nàng qua giường nằm chung cho bà có hơi ấm nên bà yên giấc tới sáng.

Hai tháng sau, khoảng hơn 4g sáng trong giấc ngủ nàng mơ màng thấy má đang nằm bệnh viện gọi tên nàng và rên đau quá làm nàng thức giấc cảm thấy nhớ má vô cùng nhưng không dám gọi điện thoại về VN vì cả nhà còn ngủ, nàng chờ sáng thêm chút nữa tới 5g nàng gọi thằng em út nó trả lời “em đưa má đi bệnh viện” đang trên đường về nhà, về đến nhà em gọi chị.

Lát sau, nàng gọi tiếp, thằng em nói “em đang nấu cháo cho má ăn để uống thuốc, thôi em cúp lên nhà trên xem má ra sao” liền đó có tiếng reng điện thoại trở lại nàng alô đầu dây bên kia thằng em nói “Chết rồi’ cúp máy luôn. Hân gọi lại liên tục không được, nàng gọi hàng xóm báo cho người quen đến phụ giúp, người ta còn chưa hay má Hân mất, nàng thất thanh gọi tứ tung cho những người quen ngay cả các chùa nhờ thầy tụng và nhờ sư cô mua giúp hàng rương liệm cho má, và nhờ bạn bè đến hướng dẫn cho em nàng nghi thức làm đám, cô em dâu trẻ chưa hiểu gì bối rối không biết phải làm sao? Nàng gọi những bạn bè thân quen cùng chùa chiền đến hộ niệm cho mẹ nàng, sau đó mọi việc đều viên mãn.

Sau 3 ngày xong đám, để lại trong lòng Hân nỗi buồn chua xót nàng không thiết ăn uống, đầu óc nàng tê dại! Không nỗi buồn nào bằng mất mẹ! Bao hối hận cứ dày xéo nàng!

Mới chân ướt chân ráo tới Mỹ chưa thích nghi cuộc sống, nhận đựợc hung tin mẹ mất! Hân không còn chút nào muốn sống!

*

Rồi tháng năm dần trôi, nàng cũng nguôi ngoai khi chợt nhớ mẹ thì Hân giật mình chấp chới! Vậy mà từ đó tới nay đã mười năm. Hân hiện sống chung với con gái út, các con Hân có gia đình ở riêng, lâu lâu đến thăm nàng.

Cuộc đời còn lại của nàng lặng lẽ, âm thầm, cứ mỗi mùa đông tàn, hạ đến, thu qua, xuân về, nàng đếm từng mùa hoà quyện niềm riêng cùng đất trời.

Nơi Hân đang sống là tiểu Virginia một tiểu bang thật đẹp. Nàng nhớ năm học trung học nàng có đọc quyển “Practic your English” tả cảnh và khí hậu ở tiểu bang nầy, không ngờ bây giờ nàng đã chính thức thành cư dân ở đây.

Mùa Xuân rất đẹp với hàng vạn hoa Anh Đào vùng D.C sau những ngày đông dài ảm đạm bên hồ nước Tidal Basin đua nở ngất ngây khoe sắc đỏ, trắng hồng nhạt soi bóng lấp lánh dưới hồ thật là quyến rũ.

Mùa Hạ hoa cỏ dại mọc khắp nơi như một bức tranh, cây xanh lá um tùm, gió chiều lồng lộng đưa cành lá chao nghiêng thật là lãng mạn.

Mùa Thu ôi sao đẹp quá đầy lá vàng trãi khắp các con đường đủ sắc tím đỏ, vàng đậm, nhạt nhìn nơi đâu cũng nên thơ.

Mùa Đông tuyết rơi, trùm ngôi nhà trắng xoá, ngồi bên song cửa nhìn từng cánh hoa tuyết nhẹ rơi mà chạnh lòng thương nhớ quê nhà.

Nỗi lòng người ly hương nhớ về quê từng thời khắc, nàng nguyện cầu cho Việt Nam mấy mươi triệu đồng bào sớm được an lành trong tự do hạnh phúc.

Hương Lệ Oanh

Nguồn: fb Peter Thanh

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.