Xã hội

Một sự đổ vỡ trong thế giới Chính Thống Giáo với những hậu quả nghiêm trọng

Đặng Tự Do

Vietcatholic.net 30/Sep/2018

Trong khi người Công Giáo đang bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, và những cáo buộc cho rằng các vị bản quyền đã giải quyết không đúng mức những trường hợp lạm dụng đã lan tới những cấp cao nhất của Giáo hội; Chính Thống giáo Đông phương lại đang trên bờ vực của một sự tan vỡ chấn động với những hậu quả đại kết và địa chính trị nghiêm trọng.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo cạnh tranh với nhau. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga hiệp thông hoàn toàn và trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine của Tòa Thượng Phụ Kiev; và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ. Sự tồn tại 3 Giáo Hội Chính Thống trong cùng một quốc gia là một tai tiếng, một trở ngại trong công cuộc tái truyền giáo cho một nền văn hóa đã tan nát, và cũng trở thành một trở ngại lớn trên con đường đại kết.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople đã minh định rằng ngài đang xem xét một đề nghị công nhận quyền tự chủ, hay độc lập khỏi Mạc Tư Khoa, của Chính Thống giáo Ukraine, nếu như 3 Giáo Hội Chính Thống đang cạnh tranh với nhau ở Ukraine khôi phục lại sự hiệp nhất. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa của Chính thống Nga đã phản ứng giận dữ đến mức bãi bỏ lời cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô khỏi các cử hành phụng vụ của mình. Và phát ngôn nhân về các quan hệ quốc tế của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, là Tổng Giám Mục Hilarion, đã ra một tuyên bố quá gay gắt cho rằng “cuộc chiến của Tòa Thượng Phụ Constantinople chống lại Mạc Tư Khoa [đã tiếp diễn] trong gần một trăm năm.” Tổng Giám Mục Hilarion cũng cáo buộc rằng các Thượng Phụ Đại Kết ở Constantinople, là vị đứng đầu trong số các vị Thượng Phụ Chính Thống Giáo bình đẳng với nhau trong thế giới Chính Thống Giáo, đã không ủng hộ Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa trong nhiều thập kỷ suốt cuộc bách hại của cộng sản – một cáo buộc khá mỉa mai, vì người mà Tổng Giám Mục Hilarion lên tiếng bênh vực, là Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, đã từng được mật vụ cộng sản Liên Sô KGB tuyển dụng [với bí danh là “Mikhailov”].

Những gì đang xảy ra ở đây? Một vài nhận định.

Đầu tiên, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa rất âu lo. Nếu một Chính Thống giáo Ukraine thống nhất được Constantinople công nhận quyền “tự trị” và do đó không còn trực thuộc Chính thống Nga nữa, thì tuyên bố của Mạc Tư Khoa coi mình là “Rôma thứ ba” sẽ bị tàn phá nặng nề. Chính Thống Nga sẽ bị thu hẹp đáng kể bởi sự mất mát số dân Chính Thống rất lớn ở Ukraine, và tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng mình thủ đắc một quyền bá chủ thực tế trong thế giới Chính Thống sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Thứ hai, Chính Thống giáo Nga, tiếp tục truyền thống lâu đời là gắn bó quá thân thiết với giới cầm quyền dù là sa hoàng hay bất kể hình thái cầm quyền nào, đã mang đến những sắc màu tôn giáo cho tuyên bố của Vladimir Putin theo đó có một “Russkiy mir” tức là một “thế giới Nga” hay một “không gian Nga”, bao gồm cả Ukraine và Belarus. Và trong “không gian đó”, người Ukraine và người Belarussia là những người em nhỏ của người Nga, là dân tộc thừa kế thực sự phép rửa của những người Slav Đông phương vào năm 988. Đó là một sự xuyên tạc lịch sử. Tuy nhiên, nó đã từng bảo kê cho chủ nghĩa bá quyền Nga trong nhiều thế kỷ, và nó vẫn tiếp tục làm như vậy ngày hôm nay.

Một Chính Thống Giáo Ukraine thống nhất và độc lập đặt tại Kiev (nơi vào năm 988 Hoàng tử Vladimir đã được rửa tội và các bộ lạc trong vùng cuối cùng đã trở thành người Ukraine, người Nga và người Belarussia) sẽ phanh phui sự xuyên tạc lịch sử, là những gì mà các sử gia nghiêm túc đã biết đến từ lâu rằng đó là một câu chuyện không trung thực. Mạc Tư Khoa và Nga không phải là những người thừa kế duy nhất phép rửa của những người Slav ở miền đông, như những tuyên bố được đưa ra bởi hoàng gia Nga và những người đã bảo trợ cuộc xâm chiếm và sáp nhập Crimea cũng như cuộc chiến do Nga tài trợ ở miền đông Ukraine. Do đó, cả Chính Thống giáo Nga và Tổng thống Putin sẽ là những kẻ thua cuộc lớn, nếu như Chính thống giáo Ukraine hiệp nhất với nhau và được Constantinople công nhận độc lập. Đó là lý do tại sao Tổng Giám Mục Hilarion đang tung ra những chỉ trích cay nghiệt với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Đó cũng là lý do tại sao Putin đang ra sức ve vãn người bạn mới của mình, là Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, để gây các áp lực mạnh mẽ lên Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Sự sống còn của Tòa Thượng Phụ của ngài đặt tại Istanbul (nguyên là Constantinople) phụ thuộc vào thiện chí của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Putin biết rằng nỗ lực của ông để tái tạo một cái gì đó giống như Liên Sô cũ, vốn được xây dựng trên ý thức hệ “thế giới Nga”, có thể nổ tung vì vụ này.

Vị giáo sĩ Chính thống Nga đã cáo buộc những nỗ lực để hiệp nhất Chính Thống Giáo Ukraine và trao quyền tự trị cho Giáo Hội hiệp nhất này là một âm mưu của Rôma. Điều này nên làm thức tỉnh một số đầu óc tại Vatican. Tuyên bố Havana năm 2016 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng phụ Kirill được cho là khai trương một kỷ nguyên mới của sự hợp tác đại kết giữa Rôma và Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, ngay khi Mạc Tư Khoa cảm thấy bị áp lực, lập tức “bóng ma Vatican” bị phát hiện và bị phỉ báng. Những người trong chúng ta, những người đã đánh giá thấp Tuyên bố Havana hai năm trước đây, không nên có bất kỳ sự hài lòng nào trong tiên đoán đúng của mình; nhưng những ai không lắng nghe thì nên suy nghĩ lại trong việc giao dịch với các công bộc của quyền lực nhà nước Nga.

Không có gì là chắc chắn trong bi kịch Ukraine này, vì sự chia rẽ quá sâu xa của các Giáo Hội Chính Thống Ukraine, và vì vị thế quá yếu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cũng như sự tham gia vô ích của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tuy nhiên, khả năng của những diễn biến bất ngờ vẫn thực sự là rất cao.

Source: First Things An Orthodox Fracture With Serious Consequences

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.