SỐNG TIN MỪNG

Lòng những người nhẹ dạ sẽ gẫm suy để am tường

  Dr. Huỳnh Lương Ngân chuyển ngữ

CN XXIII TN B (Mc7, 31-37)

Alleluia, alleluia!

– Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được“.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc7, 31-37)

31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.

32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.

33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.

34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!

35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.

36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.

37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Sau khi trao đổi quan điểm với những người Do Thái về những điều luật về sự trong sạch và ô uế, Chúa Giê-su đi về miền các dân ngoại. Ở đấy Chúa chữa lành con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri, bà này có một lòng tin đáng làm gương mẫu mà Chúa muốn dân Ngài phải chi được như thế! Các sự kiện tiếp theo cũng được diễn ra nơi đất dân ngoại, đúng hơn là Miền Thập Tỉnh, tức là liên bang của mười thành phố Hy-lạp – đa số ở bên bờ Đông sông Gio-đan – ngoài vùng cai trị của vua Hê-rô-đê và trực thuộc Pom-pê, trong một tỉnh xứ Xy-ri dưới quyền bảo hộ của La Mã. Thánh Mác-cô không nói rõ ở thành phố nào vì đó không phải là điều chính yếu của bài.

Chính tại đây được diễn ra giai đoạn của bài đọc Chúa nhật hôm nay, Đức Giê-su chữa người vừa điếc vừa ngọng: «31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh ». 

Khi ấy Chúa làm một điều mà chưa bao giờ Ngài làm như thế, Ngài đem người tàn tật riêng ra, xa đám đông và Ngài dùng những cử chỉ thường dùng của những người chữa bệnh bằng phù phép: « 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh ».

Chúa không làm khác những cử chỉ nhưng từ nay Ngài cho các cử chỉ ấy một ý nghĩa khác, điều này làm cho Chúa Giê-su khác biệt:« Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra».

Cử chỉ ngước mắt lên trời là dứt khoát, Chúa chỉ chữa lành nhờ quyền lực từ Chúa Cha ban cho.

Còn « tiếng rên », còn có thể hiểu « tiếng kêu than » từ ngữ này gợi lên lúc dân It-ra-en lúc lưu đày bên Ai- cập kêu lên trước dân ngoại (xem thiên sứ phán trên núi Si-nai , Sách Công Vụ 7,34, đoạn nói về bụi gai rực cháy); tiếng kêu than này sẽ còn được nghe cho tới ngày tận thế, từ kẻ bị cầm buộc chờ được cứu rỗi (Rm 8,22); là lời khẩn cầu của Thánh Thần Thiên Chúa giữa những tín hữu (Rm8,26).

Nhưng từ Chúa Giê-su có nghĩa ai kêu than?

Nhân loại chờ ngày được giải thoát chăng?

Hay Thánh Thần Thiên Chúa cầu bầu cho chúng ta vì những đau khổ của chúng ta không làm cho Chúa dửng dưng?

Hôm nay người tàn tật được chữa lành: « 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng ».

Một lần nữa Chúa truyền lệnh im lặng nghiêm nhặt: Chúa có mong gì họ tuân lời Ngài chăng? Thật uổng công!

« 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: « Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. ».

Họ không ý thức – vì họ là là dân ngoại – nhưng họ thốt lên những lời từ trong Thánh Kinh. « Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả », câu này là một nhận xét từ sách Sáng Thế: Sau khi Thiên Chúa tạo dựng trong bảy ngày.«31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp». Ngài « làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. »là nhắc lại lời hứa của I-sa-i-a cuộc đời hạnh phúc khi đấng Mê-si-a đến.(Is35,5-6) « 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 6 Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai »(St1,31, đây cũng là Bài Đọc 1 trong Thánh Lễ hôm nay).

Lời hứa Đấng Cứu Tinh là cho mọi người, cả Do Thái cả dân ngoại. Và thật đau khổ hết sức, hôm nay hẳn là những người ngoại mới khám phá ra những dấu chỉ ấy tốt hơn hết. « 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói… ». (Nguyên văn tiếng Pháp là « họ rao truyền »),

Thánh sử Mác-cô không dùng danh từ này một cách ngẫu nhiên: ngài dùng chữ tuyên bố-rao giảng cho ông Gio-anTẩy Giả: « rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội »(Mc1 4); Đoạn về người phong hủi cũng cùng một động từ: « 45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi »; Sau cùng, đây cũng là điều Chúa dạy cho các Tông Đồ sau ngày Phục Sinh: « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo » (Mc 16,15).

Trong lúc chờ đợi, các Tông Đồ còn nhiều việc phải làm nữa. Thật đáng ngạc nhiên, thánh sử Mác-cô xuyên suốt Tin Mừng, ngài viết nhiều điều tiêu cực của các Tông Đồ, điều này làm nổi bật lên sự lẻ loi, cô độc của Chúa Giê-su.

Thật vậy, có rất nhiều đoạn Tin Mừng chép lại Lời Chúa Giê-su không dấu diếm về sự khó khăn của Chúa trong sứ mạng rao giảng.

Ví dụ như trong dụ ngôn người gieo giống: « 13 Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? » (Mc4,13); sau đoạn nói về Đức Giê-su dẹp sóng gió cũng thế : « 40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? »(4,40); và nhất là sau phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai: « 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao » (8,18).

Tật điếc tai, mù mắt ấy còn tồn tại đến lúc Chúa Phục sinh: « Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người trỗi dậy » (16,10). Bấy giờ có lẽ chúng ta đã hiểu vì sao thánh Mác-cô đặc biệt quan tâm đến phép lạ chúng ta đọc hôm nay (Chữa lành người câm-điếc trong miền Thập Tỉnh) và sau đó một chương Đức Giê-su chữa người mù ở Bết-xai-đa, lần này là vùng đất Do Thái. (Hai phép lạ chỉ riêng trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô).

Dù sao đi nữa độc giả chúng ta tin rằng thời Cứu Độ đã điểm cho mọi người, như ngôn sứ I-sa-i-a đã loan báo:

« 3 Bấy giờ mắt những người thấy sẽ không còn bị mờ,

tai những người nghe sẽ trở nên chăm chú; 4 

lòng những người nhẹ dạ sẽ gẫm suy để am tường,

lưỡi những kẻ ngọng sẽ nói năng hoạt bát ». (Is32,3-4)

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut

Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Khổng Nhuận

 _________

Xin xem thêm  https://tramtubensuoi.blogspot.com/ 09 09 2018

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.