Tâm lý hôn nhân

Cách Nhìn Mới Trong Đời Sống Hôn Nhân-Gia Đình (1)

Biết Văn

 

Không biết tự bao giờ con người đều có chung một cách nhìn về hôn nhân, gia đình và về hạnh phúc đó là:

“Có một nơi để về, đó là nhà.

Có những người để yêu thương, đó là gia đình.

 Có được cả hai, đó là hạnh phúc.”

Chúng ta dù có lớn lên như thế nào, thành danh ra sao, đi xa bao nhiêu, đi lâu thế nào, tiền bạc giàu sang ngần bao, chỉ cần có một nơi gọi là “Nhà” để nhớ về, lòng chúng ta sẽ thấy ấm áp.

Thế hệ này trôi qua, thế hệ khác tiếp nối, có lẽ ai trong chúng ta khi lập gia đình đều mong muốn một cuộc sống vợ chồng, con cái thuận hòa, gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc là một trong những nền tảng cơ bản, quan trọng của một gia đình bền vững và thịnh vượng, và là một trong những mục tiêu hàng đầu mà các cặp vợ chồng hướng tới trong thế giới kim tiền ngày nay.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, cộng thêm sự đề cao tự do cá thể, tỷ lệ đổ vỡ của các gia đình ngày càng nhiều với rất nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến nhiều người tỏ ra lo ngại và e dè khi quyết đình về chung sống một nhà với nhau.

Tôi có ông bạn già là chuyên gia về tâm lý và có rất nhiều kinh nghiệm hàn gắn mọi đổ vỡ của các gia đình, về tâm lý con cái; đồng thời ông còn giúp đỡ cả đến những tâm hồn trĩu nặng vì tiêu hôn Công giáo từ các cặp li dị, tiêu hôn và tái hôn. Có lẽ vì có kinh nghiệm nhiều nên đi đến đâu, làm việc gì, giúp đỡ những ai ông điều quảng bá về “sinh hoạt Gia Đình Nazareth”, về “Khóa Nazareth”, hay “Đêm Gia Đình Nazareth” hay những “Retreat Couple” đến từ các hội đoàn đoàn thể trong cộng đồng của Mỹ cũng như của Việt Nam… nhưng đáp lại ông chỉ nhận được những câu nói mà có lẽ là cách nói của những người Việt Nam đầy sĩ diện như:

“Đời sống vợ chồng chúng tôi hạnh phúc, con cái chúng tôi ngoan hiền nên chúng tôi không cần học hỏi, trau dồi thêm hiểu biết, thêm kiến thức để thăng hoa đời sống gia đình và hạnh phúc hôn nhân.”

Còn đối với những người mà gia đình là kinh nghiệm cho họ nên họ có suy nghĩ rất cực đoan và nói thì phủ phàn hơn:

“Tôi cảm thấy khó chịu khi gặp những người đàn ông rao giảng nào phụ nữ “phải” hy sinh mới mong nhận lại. Nào là phải trân trọng quí mến gia đình… Những người gia trưởng đầy ích kỷ, họ được hưởng lợi từ sự hy sinh của phụ nữ và họ đổ cho truyền thống , còn họ chẳng trân trọng đến chúng tôi đâu.”

Hỡi ơi, Gia đình ngày nay đứng trước bao nhiêu phong ba bão táp của cuộc đời, chung qui cũng vì thiếu đi sự “Hy sinh” và “Trách nhiệm.” Các ông bố, các bà mẹ, các cô, các anh chỉ lo giãi bày nỗi đau, nỗi mất mát của mình mà quên mất rằng người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là con trẻ.

Chúng ta sống, học và được sự giáo dục ở đất nước này theo mục tiêu của xã hội Mỹ là tất cả mọi người đều có khả năng và học vị, đều có chứng chỉ hành nghề, nói thẳng ra là đều có “License” cả. Từ một ông giáo sư, đến một thợ thông ống cống đều có bằng cấp học vị rõ ràng… thế mà chúng ta chả thấy có trường lớp đào tạo cho con người học về đạo vợ chồng sống, yêu thương, tôn trọng với nhau cả 40-50 năm ròng ngoài trừ các các nhà thờ Công Giáo.

Thật vậy, đạo vợ chồng là môn học cao sâu và là cả một nghệ thuật, mà vợ và chồng, những người chủ của gia đình dù học cả đời cũng không thể nào xong hết được thì tại sao khi cần giúp đỡ và nâng cao hiểu biết bằng các phương thức trị liệu như “tĩnh tâm”, hay “học hỏi” về đời sống của đôi lứa, sống sao cho phải đạo… thì chúng ta lại câu nệ, sĩ diện, gia trưởng hay đầy dối trá để che đậy cái gia đình đầy sóng gió, đau thương của mình ?

Cái gốc của việc xây dựng gia đình chính là tình yêu. Nếu không có tình yêu thì không thể xây dựng gia đình, tình yêu là điều kiện tiên quyết để đi tới hôn nhân. Nhưng tình yêu lại là một định nghĩa quá rộng lớn, lại nối kết vô điều kiện: như không quản thúc người khác, không trói buộc bạn đời, ngược lại, tôn trong quyền tự do của nhau, không oán hận mà bù đắp cho nhau…v.v.

Cuộc sống chung sau hôn nhân với những bất đồng về quan điểm sống, suy nghĩ của hai cá thể khác biệt thì việc xảy ra mâu thuẫn là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là cách chúng ta giải quyết những mâu thuẫn ấy ra sao và bản lĩnh của mỗi người trước sóng gió trong cuộc sống gia đình ra sao và đòi hỏi chúng ta nhìn nhận “cái Tôi” của chúng ta ra sao.

Có thể trong mắt người khác, các bạn chỉ là cây cỏ, nhưng với gia đình, bạn là cả một bầu trời và cũng có thể ngược lại.

Làm một người đàn ông, bạn sống là phải gánh vác, nhưng nếu có người phụ nữ ở bên cạnh hỗ trợ vẫn hoàn hảo hơn.

Làm một người phụ nữ, luôn sống là phải có trách nhiệm, nhưng thiếu bóng người đàn ông chèo chống thì làm sao thương yêu thêm trọn vẹn.

Trong tất cả các ngẫu nhiên mọi đối chọi, xung đột trong gia đình chúng ta thường gặp nhất với những mẫu số chung như là:

Vợ  nói hết tình cảm với chồng và muốn từ bỏ cuộc sống hôn nhân.

Mâu thuẫn giữa hai người do người thứ 3 xúi dục” (Bồ bịch, tình nhân…)

Đem so sánh gia đình mình với gia đình người khác.

Miệng thế gian …xúi dại

Tiến sĩ John Gottman, nói rằng: “Tình yêu giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng sự tôn trọng, yêu thương và thông cảm lẫn nhau. Họ quan tâm đến những gì đang xảy ra trong cuộc sống của cả hai”.

Việc chúng ta quan tâm và tìm được lí do thực sự gây ra mọi mâu thuẫn của cả hai, hay xung đột tồn tại trong gia đình, có thể sẽ giúp chúng ta nhận định được cách giải quyết vấn đề một cách tốt hơn. Hôn nhân là sự tự nguyện yêu thương từ hai phía, khi một người hết tình cảm thì việc níu kéo cũng chưa chắc mang lại hạnh phúc, Khi gia đình không còn là yêu thương, chia sẻ mà thay vào đó là sự chịu đựng lẫn nhau, đồng sàng dị mộng thì có lẽ buông tay sẽ là giải pháp tốt cho cả hai. Chúng ta chỉ có thể giữ được người ở chứ không ai giữ được người đi, vì vậy, bạn hãy mạnh mẽ để đón nhận và vượt qua mọi chuyện và chuyên tâm về con cái.

Đời người có bao nhiêu năm, và có bao nhiêu khả năng của đời người để mưu cầu hạnh phúc … vậy mà trong cuộc sống, trong gia đình chúng ta gặp toàn bao khổ đau, rồi chúng ta chìm đắm vào gánh nặng của khổ đau. Hãy biết cách học hỏi để thoát khỏi vòng xoáy của của đau khổ giúp đưa gia đình chúng ta tìm được hướng giải quyết.

Quá nhiều u buồn sẽ khiến con người mệt mỏi.

Quá nhiều tình cảm nặng nề sẽ khiến lòng người biết đau.

Quá nhiều nước mắt sẽ khiến con người thật đau khổ.

Đó chính là những phiền não làm cho chúng ta và  những người quanh ta cũng không có hạnh phúc. Dầu tóc đã điểm bạc, dù cho lạc lối, chúng ta nên biết cách học hỏi kinh nghiệm, và đứng dậy đi tiếp con đường mang đến cho ta yếu tố hạnh phúc mà chúng ta cần được hưởng. Hãy tập buông bỏ, hãy tập quên để mưu cầu lấy hạnh phúc.

Vì thế, trong phạm vi bài viết khảo cứu này, tôi chỉ xin trình bày về cách nhìn thoáng hơn về “Hôn nhân” và “Gia đình” trong cuộc sống đương đại, nhầm giúp cho những ai đang sống trong bao suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt, khổ đau…có hướng đi mới trong mọi nối kết tình đời từ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

(Còn tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.